Thịt lợn đã được đưa vào diện bình ổn giá ở một số địa phương

(PLVN) - Ngoài các mặt hàng bình ổn giá do nhà nước quy định thì Tết Tân Sửu năm nay một số địa phương đã đưa thêm nhiều mặt hàng vào diện bình ổn giá, trong đó có thịt lợn.  

Theo đánh giá của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì quyết định trên thể hiện sự linh hoạt của các địa phương trong triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm nay.

Các chương trình bình ổn giá thường được thực hiện quyết liệt vào mỗi dịp Tết. Năm nay, chương trình bình ổn giá có gì mới, thưa ông? 

- Các mặt hàng thiết yếu trong danh mục bình ổn giá năm nay vẫn được thực hiện như các năm trước. Tuy nhiên, Tết Tân Sửu này, một số địa phương khá linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) như mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện BOTT, thực hiện BOTT cả năm đối với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục của địa phương như Bình Dương thực hiện BOTT đối với mặt hàng giáo dục, sữa học đường; ở Lạng Sơn, ngoài những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, UBND chủ trương thực hiện BOTT đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình BOTT cũng đã cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước và sau Tết; Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu trong đó có thịt lợn. 

Ông Trần Duy Đông
Ông Trần Duy Đông 

Bộ Công Thương đã có đề nghị đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá. Việc này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành về công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có mặt hàng thịt lợn, UBND và Sở Công thương rất nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai công tác BOTT mặt hàng thịt lợn. Theo báo cáo từ các tỉnh, hiện có 17/63 địa phương có kế hoạch thực hiện bình ổn mặt hàng thịt gia súc (chủ yếu là mặt hàng thịt lợn) vào dịp Tết, trong đó có TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. 

Tại Hà Nội, lượng hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình BOTT đáp ứng 35% nhu cầu thị trường; Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa thực hiện bình ổn mặt hàng thịt gia súc (chủ yếu là thịt lợn) chiếm 21% nhu cầu thị trường. Tại Đà Nẵng, Sở Công Thương đã xây dựng chương trình bán thịt lợn bình ổn phục vụ nhân dân trong dịp Tết từ 6h30-8h30 trong các ngày từ 28-30 Tết. Giá bán được các DN cam kết bằng giá bán tại lò mổ, thấp hơn giá thị trường và được niêm yết, công khai rộng rãi trên thị trường.

Một số tỉnh thành khác như Hậu Giang cũng đã vận động được 2 công ty tham gia BOTT mặt hàng thịt lợn bằng nguồn vốn tự có của DN với tổng số là 7.200 con, tương đương 50,4 tỷ đồng; Sở Công Thương An Giang cũng đã đề nghị 10 cửa hàng tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn thực hiện bình ổn tại cửa hàng, không được tăng giá đột biến.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đưa thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá.

Hàng năm, Bộ Công Thương đều có những chỉ đạo cụ thể chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết. Năm nay, Bộ có chỉ đạo gì khác biệt không, thưa ông? 

- Vẫn như mọi năm, trước Tết khoảng 3-4 tháng, Bộ Công Thương đã có chỉ thị về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết. Ngoài việc đề nghị các tỉnh theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng thì Bộ cũng đề nghị các tỉnh không để gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các đơn vị sản xuất như Habeco, Sabeco,Tập đoàn Dệt may Việt Nam... cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; Yêu cầu các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình tiêu thụ hàng hóa Tết năm nay?

- Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và kinh doanh hàng hoá của các DN và người dân thì có xu hướng giảm chi tiêu, nhưng thị trường hàng hoá giai đoạn Tết Nguyên đán sẽ vẫn sôi động, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết vẫn được các địa phương, DN nghiêm túc triển khai. 

Các hoạt động phục vụ Tết cho đồng bào vùng miền núi, xa xôi sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo báo cáo từ các tỉnh, UBND một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, hội chợ hàng nhu yếu phẩm thiết yếu (Yên Bái, Đồng Tháp); Cung ứng, vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi (Kiên Giang, Bình Thuận)… 

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm