“Thủ phủ heo miền Trung” hiu hắt

(PLO) - Huyện Hoài Ân được xem là “thủ phủ heo” của tỉnh Bình Định nói riêng cũng như các tỉnh khu vực miền Trung nói chung với tổng đàn luôn ở mức 280 ngàn - 300 ngàn con. Những ngày qua, giá heo liên tục “tuột dốc” khiến người chăn nuôi nơi này “méo mặt”.
Giá heo thịt liên tục “tuột dốc” nên người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân gặp nhiều khó khăn.
Giá heo thịt liên tục “tuột dốc” nên người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân gặp nhiều khó khăn.

Ảm đạm “thủ phủ heo”

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo thịt trên địa bàn huyện liên tục “tuột dốc”; trong khi đó, thương lái cũng không mặn mà với việc thu mua dù người chăn nuôi chấp nhận bán với giá rất thấp. Khoảng 1 - 2 tháng trở lại đây, thương lái chỉ thu mua heo thịt ở mức cầm chừng với giá từ 30.000 - 32.000 đồng/kg đối với loại đẹp; dưới 25.000 đồng/kg heo đối với loại mỡ nhiều. Mức giá này giảm hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ cơ sở chăn nuôi heo ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) buồn rầu: “Heo rớt giá liên tục trong nhiều tháng qua khiến gia đình tui thua lỗ gần 200 triệu đồng. Hiện trại nuôi heo của gia đình còn gần 100 con heo thịt đang trong thời điểm xuất chuồng; nhưng giá thì quá thấp, còn thương lái cũng không mặn mà thu mua nên chưa biết xoay xở ra sao”.

Giá heo liên tục xuống thấp khiến nhiều người chăn nuôi ở Hoài Ân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bà Ngô Thị Liên, một người nuôi heo ở xã Ân Hữu (Hoài Ân) than thở: “Năm trước, giá heo khá cao nên gia đình vay ngân hàng 100 triệu đồng để mở rộng chuồng trại nuôi heo. Không ngờ năm nay giá heo rớt thảm hại; tui vừa xuất chuồng 50 con heo thịt, lỗ gần 30 triệu đồng. Với đà này chắc phải bán nhà mới có tiền trả nợ “.

Không chỉ người chăn nuôi gặp khó, nhiều thương lái chuyên thu mua heo bán sang Trung Quốc cũng trắng tay vì thua lỗ. Bà Phạm Thị Hoa, thương lái mua heo ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) cho biết: “Đầu tháng 1/2017, tui xuất một chuyến heo sang Trung Quốc qua cửa khẩu Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc gây khó khăn, không cho thương lái bên đó thu mua nên heo tồn tại bãi bị lây bệnh chết hàng loạt. Tui lỗ đợt này hơn 200 triệu đồng”.

Khó chồng khó bởi thông tin thất thiệt

Ngoài những hộ chăn nuôi số lượng lớn quyết định bán heo với giá thấp để gỡ gạc phần nào thì không ít người nuôi nhỏ lẻ bỏ lơ đàn heo, khiến heo bị bệnh chết, sau đó vứt xác bừa bãi nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội không ngừng đưa hình ảnh heo chết; cùng với đó là những thông tin chưa chính xác về nguyên nhân khiến heo chết. Các thông tin thất thiệt về tình trạng heo chết khiến thương lái tỏ ra ái ngại khi chọn lựa mua heo ở Hoài Ân; thực tế này làm người nuôi heo đã khó càng thêm khốn.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân cho biết: “Đúng là thời gian qua tại Hoài Ân có tình trạng heo chết và một số bà con thiếu ý thức nên vứt xác heo bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, heo chết với số lượng không đáng kể, nguyên nhân chết không phải dịch bệnh, mà do một số hộ chán nản trước tình trạng giá heo thấp nên bỏ bê khâu chăm sóc, khiến heo bị chết. Chính quyền các địa phương và các ngành chức năng của huyện đã nhắc nhở, yêu cầu người dân chôn lấp heo chết đúng quy định”. 

Theo một lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân: Đối với hộ chăn nuôi gia đình, khi giá heo giảm thì họ chủ yếu lỗ con giống. Với các trang trại nuôi quy mô lớn thì lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nơi lỗ tiền tỉ. Ngành chức năng của huyện cũng đã khuyến cáo người dân không nên tăng đàn mà chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao, không sử dụng chất cấm để đầu ra của sản phẩm ổn định, nhất là với thị trường trong nước.

Đọc thêm