Thực phẩm bẩn - Những vụ bê bối rợn người

(PLO) -Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đưa đến sự ra đời của những chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn và phức tạp. Mức thu nhập tăng làm cho nhu cầu của người tiêu dùng trở nên đa dạng hơn, đặt ra những thách thức mới về an toàn và chất lượng thực phẩm đối với các công ty và các nhà hoạch định chính sách.
Hàng chục triệu tấn gạo Trung Quốc từng bị phát hiện nhiễm kim loại nặng.
Hàng chục triệu tấn gạo Trung Quốc từng bị phát hiện nhiễm kim loại nặng.

Những vụ bê bối rợn người

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc, giới chức nước này liên tục phanh phui ra những vụ bê bối về an toàn thực phẩm chấn động dư luận. Đầu tiên có thể kể đến là vụ bê bối sữa trẻ em có hàm lượng hóa chất công nghiệp melamine hồi năm 2008. Hơn 300.000 trẻ em đã bị bệnh, trong đó có hơn 12.800 trẻ phải nằm viện và 6 trẻ tử vong. 

Tiếp đó, vào giữa năm 2015, người dân Trung Quốc lại rùng mình trước thông tin giới chức nước này đã thu giữ đến 100.000 tấn cánh gà, thịt bò, thịt lợn đông lạnh được cho là đã được sản xuất từ… hơn 40 năm trước. Số thịt này được thu giữ ở nhiều địa phương trên khắp Trung Quốc, bao gồm nhiều sản phẩm đã thối rữa nhưng vẫn được bảo quản đông lạnh để chế biến dần.

Trong số những vụ bê bối thực phẩm gây chấn động ở Trung Quốc còn có thể kể đến những vụ việc như ủ giá đỗ bằng hóa chất độc hại, thêm chất phụ gia có thể gây ung thư vào đậu phụ, bê bối dầu ăn tái chế…

Mới đây, hồi cuối tháng 3 vừa qua, tòa án Trung Quốc đã đưa ra xét xử 11 đối tượng bị cáo buộc đã sản xuất tổng cộng hơn 30.000 thùng sữa bột trẻ em giả mạo sản phẩm các hãng như Beingmate và Abbott, thu lời bất chính 524.000 USD.

Đó là còn chưa kể đến tình trạng gạo nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng đã được phát hiện ở nước này từ nhiều năm nay. Một nghiên cứu do trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc thực hiện hồi năm 2013 cho thấy có đến 10% gạo được bán tại đất nước này có hàm lượng cadmi – một kim loại nặng được xác định nếu tiêu thụ lâu dài có thể gây suy thận và tử vong - vượt ngưỡng cho phép. 

Theo con số thống kê được giới chức Trung Quốc công bố tháng 12/2016, chỉ trong 3 quý đầu năm, các cơ quan chức năng ở nước này đã tiến hành 15 triệu cuộc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, phát hiện tổng cộng 500.000 vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu bao gồm sản xuất sản phẩm giả, bán thực phẩm nhiễm độc. 

Ông Bi Jingquan – người đứng đầu Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc – khi đó nói rằng dù giới chức nước này đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực thực phẩm nhưng vấn đề “thâm căn cố đế” này vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.

Theo một báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á, mỗi năm tại Trung Quốc có khoảng 300 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh liên quan đến thực phẩm, trong đó bao gồm cả những bệnh nghiêm trọng như ung thư…

Đâu là nguyên nhân?

Theo các chuyên gia, trước những năm 1980, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực. Vì vậy, trong một nỗ lực để thúc đẩy sản xuất và cải tiến trong lĩnh vực này, hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm đã được phân cấp tới cho chính quyền các địa phương. 

Chính phủ Trung Quốc khi đó cũng đã thúc đẩy một loạt những sáng kiến để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường quy mô sản xuất, đồng thời cũng bắt đầu đưa đến những rủi ro về việc quản lý mới trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Ở thời điểm năm 1990, công nghiệp thực phẩm đã trở thành ngành công nghiệp lớn thứ 3 ở Trung Quốc, với tổng giá trị khi đó ước đạt 144,7 tỉ nhân dân tệ (tương đương 21,7 tỉ USD). 11 năm sau, sản lượng công nghiệp thực phẩm của Trung Quốc đã có tổng giá trị lên đến 954,6 tỉ nhân dân tệ (tương đương 143,2 tỉ USD). 

Ở thời điểm đó, 20 triệu hộ nông dân của Trung Quốc cùng tồn tại với các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn ra đời từ giữa những năm 1990, khi chính phủ Trung Quốc thực thi nhiều biện pháp để công nghiệp hóa lĩnh vực nông nghiệp. Vào năm 1996, ở Trung Quốc chỉ có 5.381 doanh nghiệp như vậy nhưng đến năm 2006, con số này đã tăng lên thành 61.286. 

Khi chuỗi sản xuất và cung ứng được kéo dài ra và trở nên phức tạp hơn, vấn đề an toàn thực phẩm cũng có những biến đổi phức tạp theo. Trước đây, vấn đề an toàn thực phẩm thường xuất hiện ở quy mô địa phương và liên quan đến những vấn đề như vệ sinh, lạm dụng chất diệt cỏ và việc thiếu vệ sinh ở các nhà hàng. 

Tuy nhiên, cường độ cạnh tranh trên thị trường và sự lỏng lẻo trong việc giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm đã dẫn tới những vấn đề khác như cố ý thêm các chất phụ gia cấm vào thực phẩm, sản xuất hàng giả. Việc sử dụng thuốc trừ sâu và các chất bảo quản thực phẩm cũng trở nên phổ biến hơn. Đến thời điểm đó, giới chức Trung Quốc bắt đầu tiến hành những cải cách trong quản lý hành chính, cải tổ hệ thống các quy định quản lý phân mảnh… tuy nhiên, cho đến nay, tình hình vẫn không mấy cải thiện.

Về việc gạo bị nhiễm kim loại nặng, tình trạng này được cho là do gạo được trồng trên những vùng đất bị ô nhiễm do chất thải từ hoạt động khai thác khoảng sản và sản xuất công nghiệp cũng như việc lạm dụng phân hóa học, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ kéo dài của người nông dân khiến tồn dư hóa chất ngấm vào đất. 

Theo điều tra được tiến hành vào năm 2011 của Bộ bảo vệ môi trường và Bộ tài nguyên đất của Trung Quốc, có đến gần 1/5 trong tổng diện tích đất canh tác ở nước này bị ô nhiễm các loại kim loại nặng như cadimi, thủy ngân, chì, thạch tín... Báo cáo năm 2014 của nước này ước tính khoảng 8 triệu ha đất nông nghiệp của Trung Quốc bị nhiễm độc đến mức buộc phải cấm trồng lương thực cho đến khi việc cải tạo hoàn tất.

Nỗ lực cải thiện

Trong bối cảnh như vậy, giới chức Trung Quốc hồi tháng 2 vừa qua đã công bố Kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 5 năm lần thứ 13 nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước này. 

Bản kế hoạch vạch ra 4 mục tiêu chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, bao gồm: tăng cường việc kiểm nghiệm đối với tất cả các mẫu thực phẩm; quản trị một cách hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm tra tại chỗ, thành lập nhóm thanh tra chuyên nghiệp và chuẩn hóa các thủ tục và tài liệu kiểm tra và điều chỉnh các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Bản kế hoạch cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống các quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, bao gồm việc thành lập Ủy ban về an toàn thực phẩm để điều phối các vấn đề về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành liên quan. Hơn 20 luật và quy định đã được sửa đổi. Bộ Nông nghiệp của nước này cũng đã ban hành 2.800 quy định về hạn mức tồn dư thuốc trừ sâu trong thực phẩm. 

Song, Trung Quốc cũng thừa nhận rằng các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm ở nước này vẫn tồn tại do ô nhiễm đầu vào và những thách thức do số lượng những nhà sản xuất quy mô nhỏ, việc thiếu các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và năng lực thực thi các quy định chưa tương xứng. 

Để đạt được mục tiêu trên, giới chức Trung Quốc đặt mục tiêu lập các tiêu chuẩn giới hạn về thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn đối với các chất gây ô nhiễm mới. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ xây dựng một hệ thống quy định toàn diện với Luật an toàn thực phẩm được lấy làm trọng tâm. 

Trong các nỗ lực lập pháp của Trung Quốc về lĩnh vực an toàn thực phẩm còn có kế hoạch sửa Luật an toàn và tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp, thực thi các quy định của Luật an toàn thực phẩm, quy định hành chính đối với thuốc trừ sâu, sản phẩm sữa, ủng hộ việc ban hành Luật khắc phục và xóa tình trạng ô nhiễm đất, Luật Lúa gạo, quy định về phân bón, hóa chất…

Đọc thêm