Thực phẩm chức năng: “Nổ” để đẩy giá, hên xui về chất lượng

(PLO) - Chữa bách bệnh, nhanh chóng giúp giảm cân hoặc tăng cân, cải thiện chuyện phòng the… là những gì mà người bán thực phẩm chức năng thường “nổ” để câu khách.
Thực phẩm chức năng: “Nổ” để đẩy giá, hên xui về chất lượng
“Nổ” để đẩy giá
“Muốn giảm cân nhanh chỉ cần uống Super fat burner viên nhộng” các đơn vị nhập khẩu quảng cáo. Ngoài giảm cân siêu tốc, nhà phân phối “nổ” thêm tác dụng chống được vô số bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường…
Nhiều thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo quá mức, dù chưa được cơ quan y tế Việt Nam thẩm định thông qua nghiên cứu lâm sàng hoặc thử nghiệm để phân tích kết quả. Trong khi đó theo tìm hiểu của PV, giá nhập khẩu Super fat burner viên nhộng giảm cân từ bưởi có xuất xứ từ Mỹ chỉ 800 nghìn đồng/hộp, nhưng đơn vị nhập khẩu bán ra với giá 1,8 triệu đồng/hộp.
“15 ngày bạn sẽ có một bộ ngực hotgirl”, nhân viên tên Hường, bán TPCN viên nở ngực Gogobig cho đồng nghiệp của chúng tôi, nói. Theo người bán, chỉ cần dùng 15 ngày, sản phẩm sẽ kích thích estrogen làm bộ ngực săn chắc hơn và to hơn mà không có tác dụng phụ nào.
Đại diện Cục quản lý Dược cho biết không rõ tác dụng của sản phẩm vì đây là TPCN, trong khi đó, sản phẩm này được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép chỉ với nội dung: “Sản xuất phù hợp quy định an toàn thực phẩm” mà không rõ thử nghiệm lâm sàng với sản phẩm này như thế nào.
Noni Tahitian juice được quảng cáo có chức năng hỗ trợ điều trị xương khớp, tiểu đường, tai biến, thần kinh, dạ dày và cả ung thư… Giá nhập khẩu của sản phẩm hơn 1 triệu đồng, nhưng giá bán là hơn 2,2 triệu đồng.

Có TPCN được quảng cáo có thể kéo dài dương vật, với giá 1,5 triệu đồng/liều dùng. TS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học của BV Bình Dân, khẳng định chưa có loại thuốc và cách nào để làm tăng kích thước dương vật. Theo ông, đó là cách thổi phồng để gây tò mò và lừa người tiêu dùng.
Chất lượng: Hên xui
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, yêu cầu thu hồi Super fat burner viên nhộng vì TPCN này chứa hoạt chất sisbutramine gây tác động lên thần kinh trung ương, tạo cảm giác no và nguy hại khi người dùng bị tim mạch.

Cty TNHH Trung tâm Vân Sơn ở TPHCM được yêu cầu thu hồi sản phẩm này từ ngày 30/3, nhưng hôm 30/5, phóng viên gọi điện mua sản phẩm này, người bán vẫn thông báo “mua bao nhiêu cũng có”. Giá bán của sản phẩm bị thu hồi là 1,8 triệu đồng/hộp 60 viên.
Trao đổi với PV ngày 30/5, TS Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, cơ quan này vừa quyết định xử lý 8  trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm và thu hồi một giấy xác nhận công bố. “Nhiều loại TPCN quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký”, ông Trung nói.
Các trường hợp vừa được Cục An toàn thực phẩm điểm tên như: Cty TNHH Thương mại Bảo Bình An quảng cáo TPCN Cốt Bách Bổ có nội dung không đúng với nội dung đã đăng ký; Prime Viên nang hồi xuân có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng của Cty Cổ phần Dược phẩm Trang Minh.
Chỉ riêng Cty Cổ phần Tuscany có đến 8 sản phẩm quảng cáo không đúng thực tế như đăng ký với cơ quan chức năng. “Nổ” hơn là Rich Slim và Perfect Slim USA của  Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Khổng Gia nội dung quảng cáo không phù hợp. Có đơn vị như Công ty TNHH TM dịch vụ tổng hợp Quy Hoàng quảng cáo sản phẩm khi chưa đăng ký.
Bác sĩ Hồ Hải (công tác ở một bệnh viện tại TPHCM) nói rằng, nhiều loại TPCN là trò bịp của những tay kinh doanh đánh vào người dân kém hiểu biết và nhẹ dạ.
Nhiều loại TPCN đội lốt thần dược, thuốc trị bệnh bị cơ quan chức năng thu giữ.
 Nhiều loại TPCN đội lốt thần dược, thuốc trị bệnh bị cơ quan chức năng thu giữ.
“Về mặt khoa học hầu như những sản phẩm này chưa được kiểm nghiệm một cách khoa học, và được kẽ hở của pháp luật tạo nên trên nền tảng là loại thuốc không cần kê toa của bác sĩ”, bác sĩ Hồ Hải nói. “Nếu quảng cáo “nổ” lên, chắc chắn sẽ kích thích người mua nên dù đăng ký một đằng, rất nhiều công ty vẫn quảng cáo một nẻo”, một người chuyên nhập TPCN tiết lộ. TS Trần Quang Trung cho biết, các sản phẩm TPCN có đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì phải cấp phép, còn việc quảng cáo “nổ” thì không kiểm soát được. Ông Trung nói rằng, hàng nghìn trang mạng rao bán TPCN với giá trên trời và quảng cáo TPCN như “thần dược”, nhưng không có cơ quan nào xử lý được.
“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý”, ông Trung cho biết. Nói về quản lý giá, TS Trung cho rằng, không có quy định nào về quản lý giá của TPCN mà phụ thuộc vào nhà sản xuất, kinh doanh, nên giá cả lệ thuộc vào từng công ty công bố.   
Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, TPCN ngày càng phát triển cả về số sản phẩm và số doanh nghiệp kinh doanh. Năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam đến nay, nước ta có hơn 10.000 sản phẩm TPCN với hơn 1.800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Đọc thêm