Thực phẩm sạch: Cần tìm hướng đi đúng

(PLO) - Tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện luôn là vấn đề gây “đau đầu” cho các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) và người dân. Làm sao để thực phẩm sạch đến gần hơn với người dân là một vấn đề nan giải mà muốn thực hiện được, phải có một hướng đi lâu dài.
Thực phẩm sạch:  Cần tìm hướng đi đúng

Vấn đề được bàn thảo tại diễn đàn kết nối DN -  người tiêu dùng (NTD) “Thực phẩm sạch dành cho ai?” do một tờ báo phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 28/12.

Thực phẩm hữu cơ: Giá quá cao, thị trường rối loạn

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, cái khó của Việt Nam khi phát triển thực phẩm hữu cơ là đa số người sản xuất đi trên nền tảng nông nghiệp hóa học, trong khi hiện nay, nhu cầu thế giới, tiêu dùng đang đi theo hướng hữu cơ.

Bài học kinh nghiệm “xương máu” mà Vinamit có được khi tham gia “cuộc chơi” hữu cơ là không hề rẻ. Năm 2010, DN này đã mất 150 tỷ đồng vì không khống chế được sự phát triển của vi khuẩn. 

Đánh giá về xu hướng thực phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng Vasep cho rằng, không có gì khác biệt nhiều giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm trồng theo phương pháp thông thường. Nhưng thực phẩm hữu cơ có ưu điểm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. 

Tuy nhiên, giá thành của thực phẩm hữu cơ hiện còn quá đắt so với mức sống của số đông NTD. Trong khi đó, trên thị trường hiện nay, thực phẩm tại Việt Nam có tình trạng mập mờ thông tin trên nhãn hiệu về thành phần sử dụng, tính năng sản phẩm, và cả loạn chứng nhận. Chính điều này làm NTD mất lòng tin và hoang mang, không biết đâu mà lần.

Theo đại diện Vinamit, đối với các DN muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, thách thức lớn là làm sao để chứng minh cho NTD tin, hiểu và chấp nhận giá cao của sản phẩm vì làm hữu cơ giá cao. Để thành công, một yêu cầu quan trọng là có vốn đầu tư ban đầu lớn và đủ. Vòng quay ban đầu là 6 năm. Thất bại lớn nhất của rất nhiều DN là đuối, vốn không đủ, phải đổi phương pháp. 

Thay đổi thói quen ăn uống

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho rằng: Hiện phần lớn nguyên nhân gây ung thư ảnh hưởng từ yếu tố môi trường. Theo bác sĩ Tường, rất khó để kết luận một cơ thể bị ung thư do ăn thực phẩm nào, tuy nhiên đến nay, các nhà khoa học đã tìm được một số chất được khẳng định gây ra ung thư như: Nấm mốc ở các thực phẩm để lâu, nấm mốc được coi là nguyên nhân gây ung thư gan, truyền qua sữa mẹ tới con; rượu và các chất có cồn gây ung thư thực quản, và nguy cơ ung thư tăng nếu liều lượng sử dụng nhiều, rượu, thuốc lá, dioxin gây ra tất cả các loại ung thư trên cơ thể, đặc biệt da...

“Vì vậy, chúng ta vẫn có thể hạn chế bệnh tật nếu chịu thay đổi thói quen sống hàng ngày, hạn chế dung nạp các loại thực phẩm có hại vào cơ thể mình một cách chủ động và biết lựa chọn thực phẩm sạch trong tiêu dùng”, bác sĩ Tường nói.

Tuy nhiên, chuyện chủ động lựa chọn của người dân chỉ là một phần, điều quan trọng là các cơ quan quản lý và DN làm thế nào để giải quyết tận ngọn vấn đề thực phẩm bẩn, đưa thực phẩm sạch đến người dân một cách dễ dàng và phổ biến, với mức giá vừa túi tiền? 

Thứ trưởng  Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong năm 2018, Bộ sẽ hoàn thành Dự thảo Luật Thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt. Trước đó, Bộ đã xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản sạch từ chế biến, tiêu dùng trong 1 năm qua. Đến nay, đã có 444 chuỗi sản phẩm sạch theo quy định của Bộ được công khai. Năm 2016, Bộ cũng đã chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, xử lý chất cấm, vật tư đầu vào, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Đọc thêm