Tín dụng tiêu dùng làm gì để đẩy lùi tín dụng “đen”?

(PLVN) - Phát triển tín dụng tiêu dùng (TDTD) được xác định là một trong những giải pháp quan trọng đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. Bên cạnh những điều chỉnh về chính sách, quy định của nhà nước, bản thân các công ty tài chính (CTTC) cũng đang thể hiện vai trò tích cực trong cuộc chiến thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thống.
Nhân viên một CTTC đang tư vấn các gói vay tiêu dùng cho khách hàng
Nhân viên một CTTC đang tư vấn các gói vay tiêu dùng cho khách hàng

Đưa tín dụng chính thống đến gần với người dân hơn

Theo số liệu từ StoxPlus, 47% người Việt từng có nhu cầu vay tiền, nhưng chỉ 18,5% trong số đó vay từ những tổ chức tín dụng, số còn lại vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Nhu cầu của nhóm khách hàng này thường là vay dưới 200 triệu đồng, cần có nhanh, với thủ tục đơn giản và không phải thế chấp.

Với nhu cầu như thế, rõ ràng, để có được nguồn tín dụng “sạch”, bên cạnh người thân trong gia đình, nơi nhanh nhất khách hàng có thể tìm đến chính là các CTTC được cấp giấy phép. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển các sản phẩm cho vay TDTD đến các vùng công nghiệp, khu vực đông dân, vùng sâu vùng xa.

Tính đến nay, khoảng 30 triệu người dân đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ các CTTC. Trong đó, riêng công ty Home Credit đang phục vụ gần 10 triệu khách hàng với mạng lưới hơn 7.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh/thành phố.

“Các CTTC tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen...” - ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, CTTC Home Credit Việt Nam chia sẻ.

Nâng cao hiểu biết về tín dụng an toàn cho người dân

Hơn bao giờ hết, các CTTC tiêu dùng cần hợp tác xây dựng “cẩm nang thông tin” – nguồn thông tin chính thống giúp người dân hiểu rõ sự minh bạch và quy củ của tín dụng “xanh và sạch”. Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi kiến thức, trình độ về tài chính của người dân và nhân viên ngành dịch vụ tài chính tăng lên, thì khả năng tiếp cận tài chính tăng, tín dụng đen và nợ xấu giảm”. 

Để đảm bảo công khai minh bạch lãi suất cho vay với khách hàng, các CTTC được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu niêm yết công khai thông tin về lãi suất và phương pháp tính lãi, đồng thời thực hiện gửi báo cáo cho Ngân hàng nhà nước trong trường hợp ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp thị trường TDTD Việt Nam được cọ sát với những tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh việc minh bạch với người tiêu dùng.

Một ví dụ là tiêu chuẩn của các tổ chức tín dụng Châu Âu MiFID (Markets in Financial Instruments Directive). Đây là một quy định giúp gia tăng sự minh bạch trong các thị trường tài chính tại Châu Âu và tiêu chuẩn hóa các thông tin bắt buộc phải cung cấp. Cụ thể, MiFID đưa ra những tiêu chí đánh giá mức độ minh bạch trước và sau giao dịch, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn vận hành cho các CTTC. 

Đại diện Home Credit cho biết, để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn MiFID, Home Credit đã chuẩn hóa quy trình nhắc nợ, thu hồi nợ với hàng loạt phương án phòng tránh lừa đảo và đòi nợ tiêu cực. “Việc áp dụng tiêu chuẩn này giúp khách hàng yên tâm, không phải đối diện với những viễn cảnh đáng sợ như bị đối tượng bất hảo đe dọa, làm phiền” – ông Trịnh Bá Việt Xô cho biết.

Lãnh đạo CTTC Home Credit Việt Nam thăm khách hàng ở nông thôn để tìm hiểu thói quen tiêu dùng của người dân
Lãnh đạo CTTC Home Credit Việt Nam thăm khách hàng ở nông thôn để tìm hiểu thói quen tiêu dùng của người dân

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Bên cạnh sản phẩm vay mua sắm thiết yếu, các CTTC đã và đang phát triển thêm nhiều gói vay mới nhằm giúp người dân đạt được mục tiêu trong điều kiện tài chính cho phép. Các sản phẩm mới như gói vay học phí ngoại ngữ, tập thể hình, chăm sóc sức khỏe... giúp người dân hướng đến việc đầu tư cho tương lai. Sản phẩm thẻ tín dụng, vay tiền mặt, vay du lịch, đám cưới đáp ứng các nhu cầu chi tiêu cấp thiết mà người dân chưa thể nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng. 

Đặc biệt, nhóm sản phẩm cho vay của các CTTC đang thực hiện được hai điểm sáng để cạnh tranh trực diện với tín dụng đen. Đó chính là gói vay 0% lãi suất và gói bảo hiểm rủi ro khoản vay. Chỉ riêng tại Home Credit, hiện nay hơn 65% hợp đồng vay mua sắm hàng điện máy, gia dụng đang được áp dụng lãi suất 0%. 

Bên cạnh đó, nhằm đối phó với những tình huống rủi ro bất ngờ xảy ra, người tiêu dùng có thể chọn dịch vụ bảo hiểm khoản vay. Bảo hiểm rủi ro cho người vay TDTD là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra. Bảo hiểm sẽ giúp khách hàng thanh toán khoản vay mà không gây ra những áp lực tài chính lên gia đình khi họ tử vong hoặc mất khả năng lao động do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.

Ngoài ra, với sự phát triển năng động của thị trường, ngày càng có thêm nhiều CTTC tiêu dùng mới tham gia, lãi suất  ngày càng cạnh tranh hơn theo hướng có lợi cho khách hàng.

Nâng cao trải nghiệm khách hàng

Một điểm khác biệt khi lựa chọn các CTTC tiêu dùng chính là trải nghiệm khách hàng luôn được chú trọng và cải thiện trong suốt quá trình tham gia vay tiêu dùng. Ngay từ giai đoạn tìm hiểu về sản phẩm, người dân đã được tư vấn bởi những nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, các CTTC tiêu dùng đều có tổng đài chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể tìm hiểu và liên lạc với công ty qua website hoặc mạng xã hội để nhận được phản hồi nhanh chóng.

Không dừng lại ở đó, các công ty còn đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như phát triển app trên điện thoại giúp theo dõi các khoản vay, tra cứu thông tin thanh toán… Hơn 3.000.000 khách hàng tại Việt Nam đã và đang sử dụng ứng dụng Home Credit, ứng dụng tài chính tiêu dùng phổ biến nhất Việt Nam. Mỗi ngày, có hơn 25.000 lượt sử dụng thường xuyên và hơn 10.000 lượt cài đặt mới. 

Hiểu đúng về vay trả góp 0% lãi suất

PLVN có trao đổi nhanh với ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, CTTC Home Credit Việt Nam xoay quanh gói vay 0% lãi suất của các CTTC tiêu dùng.

Cho vay thì phải có lời, nhất là với các CTTC thì chi phí vốn thường cao hơn, vậy vì sao các công ty  lại có thể đưa ra mức lãi suất 0% này? 

- Mức lãi suất 0% ra đời nhờ sự bắt tay giữa nhãn hàng và/hoặc nhà bán lẻ với CTTC. Ở đây, các đơn vị cung cấp chia sẻ mức chiết khấu và lợi nhuận của mình để bù vào khoản lãi suất hàng tháng mà lẽ ra khách hàng phải trả. Lợi nhuận của các bên sẽ giảm nhưng được bù đắp nhờ doanh số tăng cao hơn.

Đây là hoạt động mà tất cả các bên tham gia cùng có lợi. Người tiêu dùng mua được sản phẩm mình yêu thích mà không phải chờ đến khi đủ tiền. Nhãn hàng/nhà bán lẻ tăng doanh số bán ra. CTTC có thêm được một khách hàng tiềm năng cho những sản phẩm tiếp theo. Với thị trường, gói vay này đặc biệt có vai trò kích cầu tiêu dùng, giúp tăng chất lượng cuộc sống cho người dân và góp phần phát triển kinh tế.

Một ý nghĩa khác không kém phần quan trọng: Đa phần khách hàng chọn vay 0% lãi suất đều là nhóm khách hàng mới. Việc trải nghiệm vay trả góp thông qua gói vay 0% góp phần tăng cường nhận thức người dân về vay tiêu dùng và quản lý tài chính cá nhân.

Điều kiện để hưởng mức vay trả góp 0% lãi suất?

- Khách hàng chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe (hoặc sổ hộ khẩu) hợp lệ. Nhân viên tư vấn của Home Credit tại các cửa hàng sẽ tư vấn các sản phẩm hiện đang có chương trình ưu đãi 0% lãi suất phù hợp với nhu cầu khách hàng. 

Những lưu ý dành cho khách hàng vay tiêu dùng?

- Với vai trò là một đối tác cho vay có trách nhiệm, Home Credit muốn lưu ý với khách hàng những bí quyết đơn giản để xem xét khi muốn vay tiêu dùng:

- Cân nhắc xem món hàng có thực sự cần thiết không?

-  Cân nhắc xem thu nhập hàng tháng có đủ để chi trả sinh hoạt phí và khoản góp hàng tháng không?

-  Đọc kỹ hợp đồng, chú ý các điểm sau: lãi suất, kỳ hạn, phí phạt trễ hạn, phí trả nợ trước hạn.

-  Lưu ý ngày đến hạn đóng tiền. Tốt nhất, người vay nên đóng tiền trước 1 hoặc 2 ngày để tránh những trục trặc không lường trước khi chuyển tiền.

-  Việc đóng tiền có thể thực hiện qua ví điện tử như Viettel, MoMo, Payoo, AirPay, hoặc chuyển khoản trực tuyến liên ngân hàng. Điều này giúp người đóng tiền chủ động về thời gian.

- Một số CTTC như Home Credit đã có ứng dụng quản lý khoản vay trên điện thoại di động. Cách cài đặt và sử dụng khá đơn giản. Khách hàng có thể tận dụng tiện ích này để giúp quản lý khoản vay hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!  

Đọc thêm