Tọa đàm “Vai trò của pháp luật với đảm bảo an toàn thực phẩm”

(PLVN) - Hôm qua (23/6), tại TP HCM, Báo PLVN tổ chức Tọa đàm “Vai trò của pháp luật với việc đảm bảo an toàn thực phẩm”, với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, giới luật gia, luật sư, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, chủ doanh nghiệp, bạn đọc. Tọa đàm là một nội dung của cuộc thi Vinh danh Doanh nhân, Doanh nghiệp “Thượng tôn pháp luật - Phát triển bền vững” do Báo PLVN tổ chức. 
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng (người ngồi giữa), Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã trở thành cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng (người ngồi giữa), Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã trở thành cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP

Gần 100 đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng nhìn lại thực trạng nhức nhối về tình hình mất an toàn thực phẩm (ATTP), từ đó cùng trao đổi về tình trạng những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng bị cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra kiến nghị những giải pháp làm sao đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

Hiện toàn quốc có gần 90 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 250 - 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân và 100 - 200 ca tử vong. Tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng.

Những căn bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch. Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tiến Hưng, cho biết, Chiến lược quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Luật An toàn thực phẩm đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến ATTP. Hệ thống quản lý ATTP của Việt Nam đã được xây dựng theo hướng hài hòa và cập nhật với các hệ thống quản lý tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Mạng lưới các cơ quan quản lý ATTP đã được thiết lập vận hành tại tất cả tỉnh, thành. Luật đã phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho ba Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương theo nguyên tắc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm với từng nhóm thực phẩm, ngành hàng cụ thể.

Đặc biệt, Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP có hiệu lực ngay từ ngày ký, đã trở thành cuộc “cách mạng” trong quản lý ATTP, thể hiện nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao độ của Chính phủ, Bộ Y tế, cùng nhiều cơ quan liên quan.  

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết trong nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp chân chính, tuân thủ pháp luật, cải thiện vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do thực phẩm không an toàn tràn lan, nhân lực cơ quan quản lý còn mỏng, chưa kể đến các chiêu trò ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp cố tình sai phạm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn

Cùng quan điểm, nhiều luật sư có mặt tại toạ đàm cùng đồng thuận rằng: Đảm bảo ATTP không chỉ đúng là “bài toán” quá khó với doanh nghiệp, người dân mà cũng là thách thức vô cùng khó khăn ngay cả với cơ quan chức năng. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan Trung ương không chỉ có hai Bộ Y tế, Công Thương, mà cả Bộ Công an... cũng vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở.

Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nêu ý kiến: “Chúng ta khó có thể đòi hỏi “người tiêu dùng thông thái” khi chính bản thân họ khó có thể phân biệt được thực phẩm có “ngậm” hóa chất hay không bằng mắt thường hoặc kinh nghiệm thiếu cơ sở khoa học…”.

Tại buổi toạ đàm, đại diện Hội Luật gia TP HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra những kiến nghị cụ thể liên quan đến việc xử phạt các hành vi không tuân thủ pháp luật về ATTP, cụ thể cần tập trung làm rõ trách nhiệm và xử đến cùng các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác, một khi đã xác định là cố tình sai phạm, nguy hiểm, ngay cả khi chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng như chết người, ngộ độc hàng loạt.

Tọa đàm cũng đã dành ra thời gian để ghi nhận, phản hồi nhiều ý kiến, tâm tư của đông đảo chủ doanh nghiệp có mặt trực tiếp cũng như gửi qua thư điện tử. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ba Huân, doanh nhân Phạm Thị Huân, bà mong muốn các cơ quan chức năng lắng nghe hơn nữa ý kiến của doanh nghiệp, các đơn vị phân phối hàng hoá tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam được đưa hàng hoá vào các siêu thị, hệ thống phân phối vì kinh doanh ngành hàng này vô cùng gian nan.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ba Huân, doanh nhân Phạm Thị Huân, nêu ý kiến tại tọa đàm
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ba Huân, doanh nhân Phạm Thị Huân, nêu ý kiến tại tọa đàm
Cũng có mặt tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) đã nêu lên hàng loạt bức xúc của phía công ty trong quá trình kinh doanh ngành hàng, với mục tiêu mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp vì kinh doanh ngành này rất khốc liệt.

Đọc thêm