Tour đêm về di sản: Tại sao không?

(PLVN) - Sau sự thành công của tour đêm tại Nhà tù Hoả Lò, Hoàng thành Thăng Long thì mới đây Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã công bố tour đêm Đền Hùng tới du khách. Mô hình tour du lịch đêm đến các di tích lịch sử hứa hẹn sẽ là một xu hướng nở rộ trong năm nay. 
Tour đêm về di sản: Tại sao không?

Trải nghiệm mới mẻ về đêm

Tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn – linh thiêng Đất Tổ” là một chương trình trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khi đất trời về đêm. Theo lịch trình, sau khi tham quan đền Lăng Sơn (huyện Thanh Thuỷ), đồi chè Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) thì kể từ 20h30 – 23 giờ cùng ngày, du khách bắt đầu tham quan các điểm đến tâm linh liên quan đến Đền Hùng như: Bảo tàng Hùng Vương, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng.

Một số du khách đã tham gia tour đêm Đền Hùng cho biết, đi qua 400 bậc đá trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh, thắp nén nhang tri ân công đức tổ tiên, với ánh sáng đèn lồng dẫn lối là một trải nghiệm tín ngưỡng về đêm rất thoải mái, dễ chịu và nhiều cảm xúc. 

Những năm gần đây, tour đêm đến các khu di tích, di sản văn hoá được nhiều địa phương khai thác để trở thành một sản phẩm du lịch mới lạ. Ví dụ, hoạt động tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” (Hà Nội) kết hợp với tour “Đêm trước dời đô” (Ninh Bình), đem đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn, làm nổi bật những di tích, di vật độc đáo quý giá của khu di sản.

Mặt khác, các sản phẩm tour đêm của di tích Nhà tù Hoả Lò, bao gồm “Đêm thiêng liêng sáng ngời tinh thần Việt” và “Sống như những đóa hoa”, được đánh giá là mô hình thí điểm du lịch đêm thành công và có sức lan toả tại Hà Nội, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, tính đến 31/12/2017, có 3.447 di tích quốc gia đã được xếp hạng, trong đó có 1.603 di tích lịch sử, 99 di tích khảo cổ. Còn theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công bố trong Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Trung ương các ngày 26 và 27/12/2003 thì Việt nam có 14.401 ngôi tự viện, trong đó TP Hà Nội (1.792 ngôi), Sài Gòn (1.121 ngôi), Thừa Thiên – Huế (536 ngôi) là những tỉnh, thành có nhiều chùa nhất. Những địa danh này từ trước đến nay đều chủ yếu khai thác tour ban ngày, bỏ lỡ tiềm năng to lớn từ các sản phẩm tour tín ngưỡng về đêm. 

Việc xây dựng tour tham quan, trải nghiệm di tích về đêm góp phần phát huy giá trị di tích để phục vụ du lịch, mang lại nguồn thu cho di tích, đa dạng hoá sản phẩm du lịch độc đáo cho các tỉnh, thành. Với đặc thù về đêm, sản phẩm du lịch có thể tạo điểm nhấn với ánh sáng, kết hợp các hoạt động ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm đi kèm để tăng thêm tính cạnh tranh. Dù vậy, nhiều điểm đến vẫn “chần chừ” trong việc tổ chức các tour du lịch về đêm.

Nguyên nhân chính là tour đêm là phải có dấu ấn khác biệt so với tour du lịch ban ngày, yêu cầu tăng cường nhân sự, giá nhân công thường cao hơn trong ngày. Sự khác biệt không chỉ thể hiện ở loại hình sản phẩm, dịch vụ mà còn là phong cách phục vụ. Làm thế nào để cho ra đời những sản phẩm du lịch đêm độc đáo ở các điểm di tích, di sản, chùa chiền, miếu mạo, vừa tiết kiệm chi phí vừa có hiệu quả và chất lượng vẫn là bài toán khó giải.

Bài học từ thành phố cổ Petra của đất nước Jordan

Trên thế giới, các sản phẩm tour du lịch đêm tại các khu di tích, di sản đã xuất hiện từ lâu. Có những sản phẩm tour đêm đã thực sự trở thành điểm nhấn của một thành phố, một đất nước. 

Một ví dụ điển hình là chương trình “Petra by Night” tại thành phố cổ Petra của đất nước Trung Đông Jordan – thành phố đã được UNESCO xếp hạng di sản vào năm 1985. Theo tìm hiểu, thành phố trải trên hàng chục ki-lô-mét vuông này từng là một địa điểm giao thương sầm uất của người Nabatean cổ, với nhiều công trình vĩ đại như nhà hát, lăng mộ, đền thờ,… Nhiều du khách đến đây đã mô tả lại cảm giác được “quay trở về lịch sử”, trong không gian sa mạc hoang sơ, tĩnh mịch nhưng lại rất khoáng đạt và dễ chịu, chứ “không xô bồ như các kì quan thế giới khác”.

Khi lên kế hoạch đến đất nước này, phần lớn du khách sẽ được giới thiệu trải nghiệm Kho bạc Petra bừng sáng về đêm bởi gần 2.000 ngọn nến. Buổi trình diễn ánh sáng này sẽ diễn ra ba lần hàng tuần vào thứ Hai, Tư, Năm, bắt đầu từ 20h30 đến 22h30. Chi phí vào cửa là 24 USD (khoảng 550 VND) và du khách có thể đặt mua vé từ Trung tâm Du khách Petra hoặc các khách sạn tại thành phố cổ này. 

Cụ thể, du khách bước đi trong im lặng qua Siq – con đường vào Petra dài 1,2km, rộng 2 mét, với sự dẫn lối của những ánh nến. Theo tìm hiểu, Siq là một khe hẹp, hình thành giữa những khối núi cao hơn 200 mét bị tách làm đôi trong các hoạt động địa chấn, sau đó được mài giũa bởi nước sông tràn và gió lộng.

Vào khoảng năm 50 SCN, người Nabatean đã xây dựng một đập nước lớn, ngăn các dòng sông chảy vào con đường này để mở ra hành lang giao thương giữa thành phố với bên ngoài. Chính vì thế, Siq trở thành cửa ngõ tự nhiên, thiêng liêng và tuyệt diệu nhất đối với người dân xứ này. Du khách đi qua Siq có thể tưởng tượng bản thân trở thành một thương nhân Nabatean, mặc dù không hề có hướng dẫn viên du lịch nào, không có hình ảnh trực quan về cảnh những con lừa chở hàng hay những toa tàu nối đuôi nhau vào thành phố. 

Điểm đến cuối cùng là Kho bạc Petra. Tại đây, mọi người ngồi bệt trên mặt đất, thưởng thức ly trà “shai” thơm ngọt và cùng nhau thưởng thức hình ảnh một di tích lịch sử đất nước này bừng sáng trong màn đêm. Buổi trình diễn ánh sáng này không quá dài, với một vài giai điệu từ cây sao truyền thống của người Jordan, đàn rabara cùng một số câu chuyện kể về Petra. Sau khi chương trình kết thúc, du khách có thể tản bộ trên các con đường của thành phố, qua các quán rượu, quán ăn nếu không muốn trở về khách sạn quá tối.

Điểm đặc biệt của “Petra by Night” đối với hầu hết du khách tham quan là cảm giác kỳ diệu, không phiền nhiễu, bình yên và thiêng liêng của khung cảnh thành phố di sản về đêm được thắp sáng bởi những ánh nến lung linh, huyền ảo. Dù là một màn trình diễn ngắn, nhưng nếu có một chiếc máy ảnh, du khách có thể ghi lại được rất nhiều hình ảnh tuyệt vời. 

Thông thường, tour du lịch về đêm có thể đắt hơn tour ban ngày với cùng một điểm đến. Do vậy, câu hỏi du khách hay đặt ra nhất đó là “có đáng tiền không?”. Về điểm này, ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense từng khẳng định: Bản chất giá trị cốt lõi của kinh tế ban đêm là vui chơi, giải trí và tiêu tiền cho thứ độc đáo chứ không phải là mua bán hàng hóa thiết yếu thông thường. Chính vì vậy, ý tưởng xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm không thể làm giống như những trải nghiệm ban ngày mà cần tận dụng những lợi thế về ban đêm mới có, để tạo cảm xúc khác biệt cho du khách. Đặc biệt, đối với loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, sản phẩm về đêm cần thực sự khác biệt để hấp dẫn sự chú ý của du khách so với các trải nghiệm phổ thông khác như ăn uống, xem phim, mua sắm,… 

Bên cạnh đó, để hoạt động du lịch về đêm thực sự hiệu quả, giới chức địa phương, ban quản lý di tích, ban tổ chức tour tuyến du lịch về đêm không thể chủ quan, lơ là trước các tác động tiêu cực như an toàn sức khoẻ cộng đồng, an ninh trật tự xã hội, mâu thuẫn về quyền lợi, giữa môi trường sinh hoạt tín ngưỡng và môi trường kinh doanh... để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Đơn cử, các mô hình kinh doanh về đêm có thể gia tăng tỉ lệ tội phạm nhưng nếu được hỗ trợ đầy đủ về lực lượng, tăng cường lắp camera giám sát an ninh tại các khu vực cùng sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, bổ sung lực lượng tự quản, lực lượng công an sẽ làm tốt việc duy trì, bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự tại các địa điểm tín ngưỡng.