TP Hồ Chí Minh: Vướng mắc trong quy hoạch nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm

(PLVN) - Vừa qua, TP HCM đã triển khai quy hoạch lại hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thì phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thông tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành khiến mục tiêu đề ra khó khả thi. 
Một lò mổ heo tại TP HCM
Một lò mổ heo tại TP HCM

Mong môi trường đảm bảo vệ sinh

Theo ghi nhận, thời gian qua, TP HCM đã có phương án quy hoạch lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong đó, TP xác định có 30 cơ sở giết mổ hiện hữu, 6 cơ sở quy hoạch nhà máy giết mổ công nghiệp xây dựng mới.

TP HCM tiếp tục đóng cửa 30 cơ sở giết mổ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Di dời 21 cơ sở giết mổ bán công nghiệp rải rác tại quận 7, quận 8, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn ra khỏi TP về tỉnh Long An và các tỉnh lân cận...

Đồng thời, TP HCM định hướng quy hoạch xây dựng 8 nhà máy giết mổ công nghiệp, có dây chuyền giết mổ công nghiệp hiện đại (địa điểm chủ yếu tại huyện Hóc Môn và Củ Chi) và yêu cầu các nhà máy phải hoàn thành, đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này chưa thể hoàn thành.

Mục tiêu quy hoạch và xây dựng các nhà máy giết mổ này nhằm quản lý và ngăn ngừa có hiệu quả việc lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong ngành chăn nuôi, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn TP.

Qui định thiếu khả thi

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị có liên quan đến khu vực xung quanh các dự án nhà máy giết mổ, đặc biệt khi xem xét, áp dụng Thông tư số 13/2017 Bộ NN&PTNT (có hiệu lực từ ngày 20/12/2017, quy hoạch các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp), Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TP HCM thấy phát sinh nhiều bất ổn.

Theo Sở QHKT TP HCM, giai đoạn từ ngày 30/11/2010 đến 20/12/2017, việc quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp áp dụng Thông tư số 60/2010 và Thông tư số 61/2010 cùng của Bộ NN&PTNT.

Trong đó, điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn và đối với cơ sở giết mổ gia cầm là “theo quy hoạch của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép” và “cách biệt với khu dân cư, xa các trang trại chăn nuôi và các nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại, đường quốc lộ).

Từ ngày 21/12/2017 đến nay, việc quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp áp dụng Mục 2.1.2 và Mục 2.1.3, Khoản 2.1, Điều 2 của Thông tư 13/2017 của Bộ NN&PTNT. Trong đó yêu cầu về địa điểm, quy định nêu: “Phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt”. Và “phải cách biệt tối thiểu 1km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại”.

Sở QHKT đánh giá, quy định này ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch khu vực xung quanh các dự án nhà máy giết mổ đã có hiện nay. Sở này nhận thấy, để đảm bảo quy định trên, mỗi khu đất quy hoạch dự án nhà máy giết mổ công nghiệp cần có diện tích tối thiểu là 78,5ha. Như vậy, chủ đầu tư phải có một quỹ đất và nguồn vốn rất lớn mới có thể đầu tư dự án nhà máy giết mổ công nghiệp. Điều này là không khả thi đối với thực tiễn đất đai của TP HCM. 

Đồng thời, theo Sở QHKT, qui định trên đã trái với quy định tại Mục 2, Khoản 2.7.1, Điều 2.7, Quyết định số 04/2008 ngày 3/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

Theo đó, được phép bố trí ngay trong khu dân cư các xí nghiệp công nghiệp có chất thải và mức độ gây ồn, gây rung chấn đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với khu dân cư và phải được kiểm soát nghiêm ngặt về các tiêu chí môi trường.

Chưa kể, Thông tư 13/2017  không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án Nhà máy giết mổ công nghiệp đang triển khai thực hiện tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. Điều này làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển đô thị tại khu vực xung quanh các dự án Nhà máy.

Các khu vực xung quanh trong vòng bán kính 500m không thể phát triển đô thị, gây lãng phí đất đai và gây bức xúc cho người dân có nhà, đất nằm trong bán kính 500m xung quanh dự án.

Do vậy, Sở QHKT TP HCM đã có báo cáo với UBND TP về những vướng mắc trên và kiến nghị theo hướng: Bộ NN&PTNT cần có những điều chỉnh Thông tư 13/2017 sao cho phù hợp các qui định pháp luật, đảm bảo tính khả thi và thực tiễn quy hoạch đã có từ trước của TP HCM.  Được biết lãnh đạo UBND TP HCM sẽ có chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tham mưu văn bản để UBND TP báo cáo Bộ NN&PTNT về vấn đề này. 

Sau chuyến khảo sát một vòng tại một số nhà máy giết mổ hiện đại ở châu Âu, giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại TP HCM cho rằng việc quy định vị trí các lò giết mổ công nghiệp tại các quốc gia này không cứng nhắc như quy định tại Việt Nam.
Vị này dẫn trường hợp một lò giết mổ bò được đặt ngay trong thành phố Amsterdam đã nhiều năm nay. Bởi vì họ có hệ thống xử lý nước thải, mùi hôi và phòng dịch bệnh rất tốt, đáp ứng được các nhu cầu về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Với các đô thị lớn như TP HCM có tốc độ xây dựng khu dân cư và hạ tầng quá nhanh chóng, cần có những quy định linh hoạt hơn về khoảng cách cũng như diện tích của các cơ sở giết mổ, tùy vào các điều kiện công nghệ mà doanh nghiệp đầu tư.

Đọc thêm