Trào lưu trò chơi ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ

(PLO) - Nhiều trò chơi thời gian qua đã làm “điên đảo” giới trẻ, tạo thành những trào lưu mạnh mẽ. Tuy nhiên, các trào lưu này lại tiềm ẩn những mối nguy lớn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Trào lưu trò chơi ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ

Trò con quay khiến trẻ bị “lậm”  

Thời gian gần đây, spinner, một trò chơi dạng con quay nhập khẩu từ nước ngoài đã “gây sốt” cho cộng đồng giới trẻ Việt. Tuy có cấu trúc và cách chơi đơn giản, ngỡ như “chả có gì”, nhưng spinner  lại nhanh chóng được giới trẻ ưa thích, thậm chí “gây nghiện”, có mặt ở mọi nơi. Spinner là một đồ chơi dạng con quay cầm tay, với một trục chính và nhiều cánh nhỏ. Tùy vào chất liệu (silicon, nhựa, thép, hợp kim, đồng…) và xuất xứ mà spinner có giá khác nhau, rẻ nhất thì vài chục ngàn, còn giá cao thì… vô chừng, có thể đến vài trăm đô một sản phẩm.

Rộ lên như một trào lưu, spinner được bày bán ở khắp nơi, trong tất cả các cửa hàng đồ chơi và trên mạng. Thậm chí, nhiều người bán hàng online “nhanh tay” buôn sản phẩm này từ các nước về Việt Nam thời điểm spinner mới bùng lên còn “phát tài” nhờ trò chơi này. Để bán chạy hàng, nhiều nhà sản xuất lẫn người bán đã “thổi phồng” công dụng của món đồ chơi này như một dụng cụ có nhiều tính năng “thần kì”: Nâng cao khả năng tập trung, giải tỏa căng thẳng, giúp bỏ các chứng nghiện thuốc lá, nghiện cắn móng tay, bứt rứt, nghiện điện thoại, nghiện internet... Nhiều bậc cha mẹ đã dùng spinner  làm trò chơi để giúp con mình tránh xa smartphone. 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, bất cứ trò chơi gì có khả năng gây nghiện, khiến người khác bị cuốn theo vô độ đều có khả năng gây hại. Spinner cũng không ngoại lệ. Thời gian vừa qua, nhiều ghi nhận cho thấy, đã có những tai nạn từ việc mải mê chơi spinner  gây ra. Có trường hợp, học sinh tiểu học mang spinner  vào trường chơi khiến con quay văng vào mặt bạn, gây thương tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, spinner tuy có thể giúp trẻ “cai” smartphone, nhưng ngược lại lại gây nghiện cho trẻ, khiến trẻ không những không tăng cao khả năng tập trung như trong quảng cáo, mà khiến trẻ bị “lậm” vào trò chơi, không để ý đến chung quanh. Nhiều lý do tiêu cực khiến trò chơi nay bị nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở tại Mỹ và một số nước châu Âu cấm học sinh chơi. Còn nhớ, thời gian trước đây, một trò chơi khác cũng đã rộ lên và gây nghiện là trò yoyo, trò con quay có dây. Có một thời, trẻ em cũng bị nghiện và quên cả chuyện học hành vì yoyo.

Thực tế, các trò chơi nói trên khi vào học đường ở nhiều nước, nhận thấy được những hậu quả tiêu cực, các nhà quản lý giáo dục lập tức có động thái siết chặt tại học đường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các trào lưu trò chơi gây nghiện nói trên vẫn được “thả lỏng”, phát triển thoải mái đến thoái trào thì thôi.

Trò chơi kinh dị vào mùa

Thời điểm này, chuẩn bị cho Lễ hội Ma (Halloween du nhập từ các nước phương Tây) các nhà cung cấp đồ chơi trong nước bắt đầu nhập về các loại đồ chơi kinh dị. Những đồ chơi như dao, kiếm, mặt nạ hay đầu lâu, các loại áo choàng kinh dị đã quá quen thuộc. Từ năm ngoái đến nay, thị trường xuất hiện nhiều loại đồ chơi đáng sợ hơn để phục vụ tâm lý giới trẻ. Các loại máu giả từ bình xịt được bày bán phổ biến, với màu và độ lỏng “như thật”, trông rất ghê rợn. Halloween 2016, loại bình xịt máu này bắt đầu “hoành hành” khi nhiều nhóm bạn trẻ xịt lên mặt và dùng xịt qua xịt lại, dọa nhau cũng như dọa người đi đường.

Năm nay, một trò chơi kinh dị cũng đang được bày bán phổ biến, đó là các trò chơi mang tính “hù dọa” như chiếc hộp xinh đẹp bên trong có nhện độc vấy máu, bộ xương người bật ra khỏi hộp giấy, hay đầu lâu máu phát sáng trong bóng tối. Theo một người bán hàng ở Chợ Lớn, các đồ chơi này dùng để các bạn trẻ tặng nhằm tạo hiệu ứng sợ hãi dịp Halloween. Tuy nhiên, vẫn có không ít trẻ tiểu học và trung học cơ sở đến mua những đồ chơi này về chơi.

Trong đó, một số đồ chơi tạo hình rất kinh dị như rìu vấy máu hay lưỡi hái thần chết vấy máu cũng được các bé ưa chuộng. Điều đáng nói là đa số các loại đồ chơi nay có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc. 

Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, trẻ em thời nay cũng bị cuốn vào các trào lưu trò chơi “thời thượng”. Tuy nhiên, hầu hết các trò chơi nói trên như con quay hay các trò chơi kinh dị lợi thì ít mà hại thì nhiều. Ngoài việc gây ra sự tập trung quá đà, gây nghiện, không quan tâm đến mọi việc, các loại trò chơi này còn hạn chế trẻ giao tiếp với bạn bè và mọi người vì mê mẩn vào trò chơi.

Cạnh đó, các loại sơn, xịt không rõ nguồn gốc, thành phần hóa học, khi xịt lên mặt có khả năng gây dị ứng da, các đồ chơi gây cảm giác ghê sợ, bạo lực cũng gây hại đến nhận thức, suy nghĩ của trẻ nếu không có sự uốn nắn đúng cách... 

Thay vì cho trẻ lao vào các trò chơi thời thượng gây nhiều tiêu cực như trên, cha mẹ nên hướng con vào các trò chơi mang tính vận động, rèn luyện kĩ năng sống, khơi dậy niềm vui cho con với các trò chơi truyền thống hữu ích cùng bạn bè như trốn tìm, đuổi bắt, làm nhà, trò chơi sáng tạo... Điều này sẽ giúp trẻ có được tinh thần lành mạnh, sống đúng với tuổi thơ của mình.

Đọc thêm