Trung Quốc bùng nổ “thịt chay”, thay thế thịt lợn đắt đỏ

(PLVN) - Vài tháng trở lại đây, trong bối cảnh giá thịt lợn cao ngất ngưởng, thậm chí ngày càng trở nên khan hiếm do dịch tả lợn châu Phi, lúc này thịt giả hay còn gọi là thịt chay bắt đầu bùng nổ và phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày càng nhiều công ty Trung Quốc khai thác thị trường thịt chay trong bối cảnh người tiêu dùng hướng tới thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng. Các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyên về đồ ăn truyền thống và nhà đầu tư đều đặt cược vào việc người tiêu dùng nước này, vốn thích theo trào lưu, sẽ đón nhận protein nguồn gốc thực vật giống với ở Mỹ.

Trong số những cái tên mới nổi đáng chú ý ở Trung Quốc có Zhenmeat và Starfield. Những công ty lâu năm trong ngành đồ chay, như Whole Perfect Food, đang triển khai thêm sản phẩm mới. Tuy nhiên, khác với các công ty của Mỹ, hầu hết công ty Trung Quốc không sản xuất burger. Họ tập trung làm các món ăn bản địa như bánh bao, bánh trung thu hoặc thịt viên, và chọn hương vị thịt lợn thay vì thịt bò để phù hợp khẩu vị địa phương.

Được biết, Xuerong là nhà cung cấp nấm ăn hàng đầu Trung Quốc hơn 20 năm nay. Gần đây, công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thịt gốc thực vật, sử dụng nguyên liệu từ nấm. Công ty cũng thông báo thành lập liên doanh với một đơn vị chế biến đồ ăn vặt khác với vốn điều lệ 1,46 triệu USD, tập trung vào nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn vặt có đạm thực vật.

“Ngoài đậu nành và đậu xanh đang được sử dụng rộng rãi để sản xuất các loại thịt chay ở Trung Quốc, nấm cũng là một nguyên liệu chất lượng cao có thể cải thiện hương vị và dinh dưỡng của thực phẩm”, Yang Yongping, chủ tịch Công ty công nghệ sinh học Shanghai Xuerong, cho biết hôm 13/9. 

Ngoài Xuerong, còn nhiều công ty khác đang xâm nhập thị trường thịt làm từ thực vật đang mở rộng ở Trung Quốc. So với thịt động vật, “thịt chay” có hàm lượng đạm cao nhưng cholesterol và chất béo thấp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và phúc lợi động vật. Những yếu tố này đã kích hoạt xu hướng sản xuất và sử dụng thực phẩm mà nhiều công ty thực phẩm và thị trường vốn trên toàn thế giới đang theo đuổi.

Ramen Talk, một nhãn hiệu mỳ Trung Quốc, đã hợp tác với một nhà sản xuất thịt trong nước tung ra sản phẩm nước sốt thịt có nguồn gốc thực vật, mùi vị tương tự nước sốt mỳ Ý Bolognese. Lô hàng đầu tiên gồm 20.000 gói đã bán hết trong vòng một phút khi được tung ra trên nền tảng thương mại điện tử Tmall.

“Đây là xu hướng lớn trong sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc gần đây, nó cũng đại diện cho định hướng công nghệ thực phẩm tương la”, He Chuchu, giám đốc sản phẩm của Ramen Talk, nói.

Các sản phẩm thịt chay thay thế thịt động vật không mới với người tiêu dùng Trung Quốc, bởi quốc gia này có lịch sử ăn “thịt giả” làm từ đậu nành, thường gọi là “thịt chay” trong ẩm thực truyền thống. Hơn thế nữa những năm gần đây, chế độ ăn chay đã phổ biến hơn do lo ngại về sức khỏe và chất lượng thực phẩm, cũng như tính an toàn, khiến các nhà sản xuất thịt chay hướng mục tiêu đến cả những người yêu thích thịt động vật. Covid-19 càng thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Không chỉ các công ty trong nước, thị trường thịt chay của Trung Quốc cũng thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài. Impossible Foods, công ty sản xuất thịt thực vật của Mỹ, đã đưa sản phẩm tới phục vụ 50.000 người tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc năm 2019. Hồi tháng 2, tập đoàn Pepsi đã mua Baicaowei, một công ty sản xuất món ăn vặt ở Trung Quốc, với giá 705 triệu USD, sau khi Baicaowei sản xuất xúc xích thực vật từ đậu nành và khoai nưa.

Sữa thực vật và thịt chay đã trở thành loại thực phẩm ở Trung Quốc từ lâu, song công nghệ sản xuất thịt từ mô vẫn chưa phát triển ở đây. Sau đại dịch Covid-19, rất có thể chính phủ Trung Quốc sẽ ưu tiên phát triển công nghệ sản xuất thịt từ mô, và các doanh nghiệp Mỹ có thể giúp họ thực hiện mục tiêu ấy.

Đọc thêm