Tung tin thực phẩm bẩn - vì cộng đồng hay vì lợi riêng mình?

(PLO) - Mới đây, địa chỉ Facebook có tên Dương Thành Nam đăng tải một clip gần 3 phút tố xoài bằng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc đang hành hoành tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Chủ nhân clip câu like mà không nghĩ tới hậu quả làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân
Chủ nhân clip câu like mà không nghĩ tới hậu quả làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân

Mặc dù sự việc chưa biết thực hư thế nào nhưng đoạn video trên đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội một cách chóng mặt. Rất nhiều người lo lắng vì loại xoài này đang được bán rất nhiều.

Thực chất, lớp “nilon” trong hạt xoài ở đoạn clip chính là màng bên trong của một loại xoài giống Đài Loan được trồng ở miền Tây. Thời điểm này, ở TP HCM từ chợ lớn, nhỏ đến các điểm bán vỉa hè, xe đẩy ven đường đều bày bán giống xoài này và rất đông khách mua. Tùy điểm bán mà giá được niêm yết 30.000-40.000 đồng/kg.

Nhìn bề ngoài, những trái xoài có kích thước rất nhỏ, vỏ màu vàng tươi, trọng lượng chỉ từ 25-50gram/trái.  Những năm trước, giống xoài này chỉ có bán ở Châu Đốc vì số lượng ít. Năm nay bán nhiều ở TP HCM vì giống xoài này vị thơm ngọt hơn những loại xoài khác nên được thị trường ưa chuộng, nông dân nhân giống rộng rãi, sản lượng tăng mạnh.

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, đến nay các tỉnh Nam Bộ đã trồng trên 6.000 ha xoài giống Đài Loan. Trong đó  An Giang 4.315 ha, Đồng Tháp 827 ha (620 ha đang cho thu hoạch), Đồng Nai 740 ha, Vĩnh Long 100 ha, Hậu Giang 40 ha, Tiền Giang 25 ha.

Ngay khi có thông tin đính chính từ Cục trưởng Cục Trồng trọt rằng  không có chuyện làm giả xoài, lớp màng ở hột xoài là lớp màng sinh học, thường không dày như trong clip và không gây hại gì , nhiều người nhận ra đây là chiêu trò câu view của chủ nhân clip mà không nghĩ tới hậu quả làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân miền Tây, vốn đang trong giai đoạn thu hoạch lớn xoài mút. 

Gần đây, có rất nhiều người thích tung các clip chứng minh thực phẩm bẩn nhằm câu view, câu like. Dường như việc quay clip tung tin đồn thất thiệt về thực phẩm bẩn đã và đang trở thành trào lưu trên mạng xã hội vì  lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Những clip này sẽ nhanh chóng nhận được sự chú ý từ mọi người và lan truyền với tốc độ nhanh chóng, facebook đăng tải cũng được “follow” theo cấp số nhân.

Các clip chỉ nổi một thời gian rồi sau đó không còn ai chú ý tới câu chuyện đó nữa. Nhưng người đăng clip đã dễ dàng có được một lượng theo dõi nhất định. Người này sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang kinh doanh online hoặc bán tài khoản đó cho các công ty marketing. 

Có thể, những kẻ tung thông tin thất thiệt nhằm “câu view, câu like” trên facebook chưa hoặc không ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật. Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, điểm a khoản 3 Điều 64 quy định hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ đối với tổ chức vi phạm và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ đối với cá nhân vi phạm.

Đọc thêm