Ứng xử của người tiêu dùng: Vừa e ngại, vừa đòi hỏi quá đáng!

(PLO) - Hội thảo chuyên đề “Doanh nghiệp, người tiêu dùng (NTD): ứng xử tạo niềm tin” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vanastas) và Câu lạc bộ Doanh nghiệp tin cậy vì NTD tổ chức hôm qua (21/4) đã phần nào làm rõ bức tranh cho thấy, NTD đang mất dần niềm tin vào thị trường và doanh nghiệp trước hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng ở một chừng mực nào đó, cũng có không ít vụ việc NTD có những đòi hỏi quá đáng đối với doanh nghiệp khi họ bắt gặp sản phẩm hỏng hoặc lỗi.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) cho hay, trong năm 2014 các hội bảo vệ quyền lợi NTD các tỉnh trên cả nước đã giải quyết được khoảng trên 4.000 vụ khiếu nại với tỷ lệ thành công khoảng trên 80%. Một số địa phương như Hải Phòng, Hà Tĩnh, Kiên Giang… tỷ lệ thành công lên đến 90%. 

Theo TS Đoàn Quang Đông, Trưởng phòng Bảo vệ NTD, Cục Quản lý cạnh tranh, trên thực tế, hành vi gian lận thương mại của doanh nghiệp không phải là hiếm, tuy nhiên nhiều NTD vẫn còn tâm lý e ngại trong việc khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình. “Trong giai đoạn hiện nay, xét về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và NTD dễ dàng nhận thấy NTD đang trở nên yếu thế, đặc biệt là trong hoạt động tranh chấp. Sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến tâm lý chấp nhận thiệt hại không đáng có, ngại tranh chấp, kiện tụng hoặc ứng xử không đúng theo quy định của pháp luật”- ông Đông chia sẻ.

Đối lập với tình trạng trên, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vinatas chỉ ra, thời gian gần đây ngày càng có nhiều NTD khiếu nại không đúng và đòi hỏi bất hợp lý đối với doanh nghiệp nhằm hưởng lợi. Theo ông, mong muốn lớn nhất của NTD là doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn để giữ niềm tin đối với NTD ở các sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp.

 “Tuy nhiên, nếu hàng hóa có khuyết tật hay dịch vụ lừa dối, không hoàn hảo có diện rộng, ảnh hướng đến nhiều người, đến môi trường, đến xã hội, NTD hãy khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền để doanh nghiệp, tổ chức, các nhà quản lý có biện pháp khắc phục, ngăn ngừa, cộng đồng được cảnh báo, tránh gây thiệt hại lan rộng”- ông Tuấn đề xuất.

Đọc thêm