Vắng khách, siêu thị chuyển hướng bán hàng đa kênh

(PLVN) - Trước những khuyến cáo người dân hạn chế ra đường để phòng, chống dịch Covid-19, lượng khách hàng tại các siêu thị giảm mạnh. Rất nhiều cách xoay xở để giữ ổn định doanh thu đã được các siêu thị đưa ra…
Hầu hết các siêu thị đều vắng khách
Hầu hết các siêu thị đều vắng khách

Doanh thu các siêu thị ở Hà Nội giảm mạnh

Các hệ thống siêu thị ở Hà Nội đã trải nghiệm những cung bậc vắng khách chưa từng thấy, dù mới chỉ cách đây 2 tuần, siêu thị quá tải vào buổi sáng 7/3/2020 khi Hà Nội công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Nhưng chỉ duy nhất buổi sáng hôm ấy khiến doanh số của các siêu thị tăng đột biến, ngay buổi chiều nhịp mua sắm đã trở về như thường lệ. 

Tuy nhiên, từ vài ngày nay, nhịp mua sắm thường lệ cũng không còn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã chính thức kêu gọi người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt, ít nhất đến 31/12/2020. 

Rất nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp nạn bởi dịch Covid-19, nhà hàng, quán ăn, quán café đóng cửa vì không có khách nhưng siêu thị không được đóng cửa vì còn phải gánh sứ mệnh đảm bảo không thiếu hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng. Thậm chí các cửa hàng Circe K cũng vẫn giữ nhịp bán hàng 24/24h dù có địa điểm lượng khách vào siêu thị không đáng kể. 

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc bán lẻ BRG (đơn vị vận hành các chuỗi siêu thị HaproMart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) cho biết, vài ngày gần đây lượng khách hàng đã giảm đáng kể, từ 30-50% tùy địa điểm, do đó, doanh số cũng sụt giảm theo dù BGR có lợi thế có các siêu thị nhỏ, nằm rải rác ở các con phố nội đô. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hà Nội Coopmart cũng cho biết, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị giảm khoảng 40%, trong khi lượng khách đặt hàng online cũng không tăng nhiều. Sơ bộ thống kê, doanh thu của Coopmart Hà Nội cũng giảm đến 40% so với trước đây.

Tuy nhiên, bà Dung nhấn mạnh, chỉ hệ thống siêu thị ở Hà Nội bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Các hệ thống siêu thị Coopmart ở TP HCM, miền Tây, miền Trung vẫn tăng trưởng ổn định, lượng khách hàng đặt hàng online cũng tăng trưởng đều 10% mỗi tháng. 

Chuyển hướng bán hàng

Trước những khó khăn do tình thế khách quan khiến doanh thu sụt giảm khá nghiêm trọng, nhiều siêu thị đã có những cách tiếp cận khách hàng khác nhau, đảm bảo khách vẫn an toàn trong mùa dịch và vẫn được cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ dù không ra khỏi nhà. BRG Retail đã chuyển mình khá nhanh khi sử dụng các kênh bán hàng khác nhau (đa kênh) để phục vụ khách hàng.  

Chia sẻ với PLVN, ông Dũng cho biết, khi nhận thấy khách hàng đang hạn chế ra ngoài và đi mua sắm, BRG đã lập tức có giải pháp đa kênh để tương tác với khách hàng như nhận đặt hàng qua điện thoại, email với chính sách giao hàng miễn phí cho khách trong vòng 5km với mỗi đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên. Trong những ngày qua các hệ thống siêu thị đã thực hiện giao hàng miễn phí cho hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày.

Ông Dũng khẳng định, có sự tăng trưởng về bán hàng đa kênh, thậm chí có thời điểm doanh thu bán hàng đa kênh tăng trưởng gấp đôi nhưng không đủ để bù đắp cho doanh số hụt ở siêu thị vì trước đây doanh số bán hàng đa kênh chỉ chiếm 2-5% doanh số bán tại chỗ. Các mặt hàng khách hàng thường đặt qua đa kênh là các mặt hàng khô như mỳ tôm, gạo, còn thực phẩm tươi sống vẫn đến siêu thị lựa chọn, tuy nhiên số lượng cũng không đáng kể. 

Hệ thống Siêu thị Big C cũng đã sớm đưa dịch vụ gọi điện đặt hàng qua số Hotline của từng siêu thị từ tháng 2/2020 với chính sách giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 VND trở lên trong phạm vi 10km. Riêng các mặt hàng tươi sống, sản phẩm đông lạnh và sản phẩm từ sữa sẽ không được bán theo chương trình này. 

Theo đại diện Big C, từ đầu tháng 3/2020 đến ngày 12/3/2020, riêng khu vực TP HCM đã đạt trên 1.000 đơn hàng. Dự kiến trong tháng 3/2020 các siêu thị Big C khu vực TP HCM sẽ đạt doanh số khoảng 3.000 đơn hàng; mức tăng trưởng khoảng trên 200% so với tháng 2/2020. 

Vị đại diện này cũng cho biết, việc đặt hàng qua điện thoại ở Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng khi người dân đã tăng cường mua qua kênh điện thoại. Đặc biệt, Big C Thăng Long còn áp dụng bán hàng qua điện thoại cả với các mặt tươi sống như thịt, cá nên cũng được người tiêu dùng đón nhận.

Tương tự, Coopmart Hà Nội cũng đã tăng quân số giao hàng đáng kể để phục vụ khách đặt hàng qua điện thoại nhưng theo bà Dung, doanh số bán hàng qua điện thoại cũng không tăng dù khách hàng được vận chuyển miễn phí trong khoảng 5km với đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên.

Đọc thêm