Vi phạm luật môi trường, URC Việt Nam bị đình chỉ các dự án nâng công suất

(PLO) - Quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường phát hiện Cty TNHH URC Việt Nam (Cty URC Việt Nam) vi phạm pháp luật về môi trường và đã có quyết định đình chỉ hoạt động đối với các dự án thay đổi sản phẩm và nâng công suất nhà máy URC Việt Nam số 1 và số 2
Cổng vào nhà máy của URC tại khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai, Hà Nội
Cổng vào nhà máy của URC tại khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai, Hà Nội
Sai phạm
Theo đó, ngày 30/9 ông Nguyễn Văn Tài- Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Cty TNHH URC Việt Nam (địa chỉ số 42 VSIP, đại lộ Tự Do, khu công nghiệp Việt Nam- Singapore, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), có lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất bánh kẹo và nước giải khát.
Quyết định của Tổng cục Môi trường chỉ rõ là Cty này không có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức (Đối với dự án thây dổi, nâng công suất nhà máy số 1 và số 2 tại thị xã Thuận An và huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương).
Vì hành vi vi phạm trên, Cty URC Việt Nam bị phạt hành chính 280 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là: Đình chỉ hoạt động đối với các dự án thay đổi sản phẩm và nâng công suất nhà máy URC Việt Nam, số 1 và số 2 trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Cty nhận được quyết định này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Nguyên- Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Dương cho biết là bản thân ông có biết quyết định này của Tổng cục Môi trường. “Còn việc sở nhận được quyết định vào ngày nào thì tôi không nắm được. Cách đây mấy ngày, sở có nhận được một số quyết định”- ông Nguyên cho biết.
Với câu hỏi của phóng viên: Sau khi Tổng cục Môi trường có quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động đối với các dự án thay đổi sản phẩm và nâng công suất nhà máy URC Việt Nam, số 1 và số 2 của Cty URC Việt Nam, Sở TNMT Bình Dương có giám sát việc thực hiện đình chỉ này của Cty không? URC Việt Nam có chấp hành nghiêm chỉnh không? Ông Nguyễn Hồng Nguyên- Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Dương cho biết là việc xử phạt là do Tổng cục Môi trường kiểm tra và tiến hành, Sở TNMT Bình Dương chỉ được mời tham gia. “Việc nhà máy có hoạt động hay không sau khi bị đình chỉ tôi cũng không nắm được, vì ở địa bàn có rất nhiều nhà máy”- ông Nguyên nói.
Coi thường pháp luật Việt Nam?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì dự án chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tại điều 27 (Luật Bảo vệ môi trường) quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trước khi đưa dự án vào vận hành là phải: Báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án… Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Văn bản của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho thấy sai phạm của URC Hà Nội.
Văn bản của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho thấy sai phạm của URC Hà Nội.
Tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ rõ trách nhiệm của chủ dự án trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức là phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án để được kiểm tra, xác nhận trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Luật, các nghị định đã quy định rất rõ như vậy, nhưng vì sao Cty URC Việt Nam vẫn cố tình vi phạm. Không riêng gì các nhà máy của URC Việt Nam tại Bình Dương, mà mới đây các cơ quan truyền thông cũng đã phát hiện và liên tục phản ánh việc Cty TNHH URC Hà Nội (thuộc Cty URC Việt Nam) cũng đã xây dựng nhà máy “chui”, “đè” lên quy hoạch khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai Hà Nội.
Việc xây dựng này không được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép xây dựng, không được Tổng cục Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án nhưng Cty URC Hà Nội vẫn xây dựng và hoạt động bình thường.
Việc vi phạm liên tiếp của Cty URC Việt Nam khiến dư luận lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài này không tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam.
Các chuyên gia về pháp luật khi được hỏi đều khẳng định nhà đầu tư trong nước cũng như ngoài nước đều bình đẳng và đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Cũng vì đó nhà đầu tư ngoài nước phải tuân thủ nghiêm khắc pháp luật Việt Nam, sai thì phải xử lý.
Liên quan đến các công trình khủng xây dựng trái phép, không phép, UBND TP. Hà Nội đang rất mạnh tay, kiên quyết xử lý vi phạm. Vụ tòa nhà xây trái phép tại 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua đang được TP. Hà Nội xử lý quyết liệt, buộc “cắt ngọn” phần vi phạm.
Dư luận cũng mong chờ UBND TP. Hà Nội kiên quyết xử lý đối với việc xây dựng không phép, “đè” quy hoạch của Cty URC Hà Nội thuộc Cty URC Việt Nam tại khu công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai, Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng ngoài việc các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm túc, dứt điểm để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật đối với các vi phạm của nhà sản xuất thì yếu tố người tiêu dùng cũng rất quan trọng.
Theo luật sư Thiệp thì đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam cần thể hiện trách nhiệm công dân đối với vấn đề môi trường. Nếu như người tiêu dùng thông thái, có trách nhiệm thì trước khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng họ sẽ để ý xem nhà sản xuất có tôn trọng pháp luật nói chung hay không, có đảm bảo vấn đề môi trường khi sản xuất sản phẩm hay không từ đó mới quyết định mua hay không mua sản phẩm của nhà sản xuất đó. Việc từ chối của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của các nhà sản xuất có vi phạm (vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng) sẽ là bài học sát sườn nhất đối với nhà sản xuất có vi phạm, thiếu tôn trọng pháp luật.

Đọc thêm