Vụ Amway bị tố: Ai kiểm soát 300.000 nhà phân phối tại Việt Nam?

(PLO) - Amway Việt Nam hiện chỉ có khoảng 400 nhân viên, nhưng mạng lưới nhà phân phối đã vượt con số 300.000. Đại diện Amway Việt Nam cũng thừa nhận, họ không tự tin về khả năng kiểm soát việc tuân thủ quy tắc của các nhà phân phối này.
Những nhà phân phối có thực hiện đúng theo bộ “quy tắc đạo đức” mà Amway đưa ra?
Những nhà phân phối có thực hiện đúng theo bộ “quy tắc đạo đức” mà Amway đưa ra?
Liên quan đến câu chuyện “Người khổng lồ đa cấp Amway” bị khách hàng tố bán sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Amway Việt Nam (Cty Amway), hiện nay có hơn 300.000 nhà phân phối (người bán hàng) tham gia làm việc trên khắp các tỉnh thành.
Theo phía Amway cho biết, mỗi nhà phân phối được gắn một mã số và ở Amway có một đội ngũ chuyên trách việc giám sát các nhà phân phối này.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy một sự chênh lệch quá lớn giữa lực lượng nhà phân phối và lực lượng nhân viên giữ vai trò giám sát. Hiện số nhân viên làm việc tại Cty Amway ở Việt Nam là khoảng 400 người, trong đó chỉ một số có chức năng giám sát. Một phép chia thuần túy cho thấy, mỗi nhân viên giám sát có trách nhiệm giám sát hoạt động của hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nhà phân phối.
Bởi vậy, một câu hỏi dễ dàng được nhiều người nghĩ tới đó là việc làm sao quản lý được hết các nhà phân phối hay nói cụ thể là những người bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng khi những người này sau khi tham gia vào mạng lưới Amway có thể thoải mái đi chào mời bán sản phẩm bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào và chỉ cần bán được sản phẩm thì họ sẽ được hưởng hoa hồng theo doanh số, vốn là bản chất cốt lõi của mô hình kinh doanh đa cấp.
Lý giải cho ý kiến trên, đại diện phía Amway cho biết rằng, mỗi người tham gia vào Amway đều được học một “quy tắc đạo đức” về việc bán hàng, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh việc không được “phóng đại” chức năng sản phẩm như một "thần dược" hay loại thuốc trị bá bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, ai có thể đảm bảo được những nhà phân phối khi tham gia bán sản phẩm Amway thực hiện đúng theo bộ “quy tắc đạo đức” mà Amway đưa ra?
Trả lời câu hỏi này, chính đại diện Amway cũng khẳng định họ trông cậy vào sự tự giác của nhà phân phối hơn là khả năng kiểm soát và phát hiện của đội ngũ giám sát. Cũng cần nói thêm, chế tài xử lý đối với các nhà phân phối vi phạm cũng chủ yếu dừng ở mức độ trừ vào thu nhập.
Đại diện Amway cũng thừa nhận họ không hoàn toàn tự tin vào khả năng kiểm soát số lượng nhà phân phối khổng lồ như vậy. Vị đại diện cũng thừa nhận đã có lúc chính Amway còn bị các nhà phân phối phản ứng trong nỗ lực kiểm soát, bởi như vậy có thể ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế của các nhà phân phối.
Khẳng định Amway sẽ kiên định với triết lý kinh doanh và mô hình mà họ đã áp dụng tại Việt Nam, nhưng sự thiếu khả năng kiểm soát hệ thống phân phối do chính Amway xây dựng không thể không khiến dư luận lo ngại về những hệ lụy đi kèm, mà trường hợp mới đây với anh Nguyễn Quang Hưng là một ví dụ.
Anh Nguyễn Quang Hưng cho biết, người trực tiếp bán sản phẩm Nutrilife là nhà phân phối Phạm Thị Ngoan với mã số 3018815. Anh Hưng quen nhà phân phối này từ tháng 3/2013, sau nhiều lần được thuyết phục, tháng 10/2013 anh Hưng đồng ý mua sản phẩm Amway từ nhà phân phối này.
Theo Công ty Amway cho biết, trong lần làm việc giữa các bên bao gồm anh Hưng, nhà phân phối Phạm Thị Ngoan, Đại diện cơ quan giám định Mclarens (Thay mặt cho Công ty bảo hiểm AIG) và Đại diện Amway, các bên xác nhận nhà phân phối Ngoan không chủ động quảng cáo sản phẩm có tính năng chữa bách bệnh.
Tuy nhiên, trong đơn phản ánh của mình, anh Hưng cho biết: “Tôi mua sản phẩm trực tiếp từ cô Ngoan theo sự tư vấn từ cô về lợi ích khi uống sản phẩm này, ngoài ra không có sự thảo luận nào khác. Ban đầu cô Ngoan gọi điện cho tôi rất nhiều lần, có lần hàng tiếng đồng hồ... Và tư vấn tại nhà như: Sản phẩm có khả năng thải độc trong cơ thể, anh rể cô ốm không đi được, uống vào hết bệnh. Bố mẹ cô ấy dùng hàng ngày 8 đến 9 loại sản phẩm nên khoẻ ra...”
Theo đó, việc quảng cáo của nhà phân phối Ngoan có phần “khoa trương” công năng của sản phẩm Amway, vì đây chỉ là thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung chứ không phải thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, cũng theo anh Hưng, sau khi dùng viên uống Canxi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, anh Hưng nhờ nhà phân phối Nguyễn Thị Ngoan tư vấn thì người này lại khuyên anh nên uống thêm hàng loạt các sản phẩm khác của Amway.
Về trường hợp của khách hàng Nguyễn Quang Hưng, sau khi gợi ý một số giải pháp để giải quyết nhưng chưa có kết quả, Cty Amway hiện đã mời đại diện Công ty Bảo hiểm sản phẩm đến để trao đổi thông tin và tiếp nhận trường hợp khiếu nại của anh Hưng.

Sau khi làm việc, anh Hưng đồng ý để Amway ủy quyền cho Công ty Bảo hiểm làm việc trực tiếp để xem xét và giải quyết khiếu nại.

Trong một diễn biến khác, Đại diện Thanh Tra Sở y tế Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ anh Nguyễn Quang Hưng, Sở y tế đã đến Cty Amway để lấy 5 mẫu sản phẩm giống với 5 sản phẩm mà anh Hưng phản ánh trong đơn thư của mình mang đi kiểm tra chỉ tiêu chất lượng. Kết quả cả 5 sản phẩm của Amway đều có kết quả phù hợp với chỉ tiêu chất lượng đã công bố, và được phép lưu hành.

Sở y tế cũng cho biết rằng, nếu anh Nguyễn Quang Hưng vẫn muốn khiếu nại về việc sản phẩm của Amway gây hại cho sức khoẻ thì cần đưa ra cơ quan toà án để khiếu kiện. Phía Sở y tế chỉ có chức năng kiểm tra chất lượng của sản phẩm có đúng và đủ hay không mà thôi.

Ngày 6/6, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Quang Hưng cho biết, sau khi thống nhất với Công ty Amway Việt Nam để Phía công ty bảo hiểm AIG đứng ra giải quyết vụ việc, hiện tại anh Hưng đang chờ bên giám định đến làm việc tiếp để có hướng giải quyết.

Đọc thêm