Vụ con ruồi trong chai Number One, Tân Hiệp Phát bị kêu gọi “tẩy chay“

(PLO) - Câu chuyện con ruồi có giá 500 triệu đồng đang được dư luận quan tâm. Nhiều người cho rằng, hành vi của anh Minh là sai nhưng Tân Hiệp Phát lại càng sai hơn khi đã cố tình "gài bẫy" người tham tiền.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Con ruồi có giá … 500 triệu đồng
Như Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, Công an tỉnh Tiền Giang đang tạm giữ hình sự anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để xử lý đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin báo chí, anh Võ Văn Minh, trong lúc lấy chai nước ngọt khui bán cho khách, phát hiện trong chai có con ruồi. 
Sau đó, công ty đã cử nhân viên xuống làm việc với Minh nhiều lần. Qua nhiều lần thương lượng, Minh yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải đưa cho mình số tiền là 500 triệu đồng thì Minh mới đồng ý trả lại chai nước ngọt. Minh hẹn đến ngày 27/1/2015 sẽ tiến hành giao nhận tiền tại một quán cà phê ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, Cái Bè.
Sau khi nhận được tin báo, Phòng CSĐT TP về TTXH (PC 45) đã chỉ đạo lực lượng Trinh sát tiến hành xác minh và áp dụng biện pháp nghiệp vụ với Võ Văn Minh. 
Khoảng 15h30 ngày 27/1/2015, lực lượng Công an đã bắt quả tang Võ Văn Minh đang nhận số tiền 500 triệu đồng của nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát và bỏ vào cốp xe mô tô mang biển số 63X7 – 3996 của mình. Ngay sau đó, Võ Văn Minh đã bị tạm giữ để tiếp tục điều tra làm rõ về tội cưỡng đoạt tài sản.
Sự việc này khiến người tiêu dùng rất hoang mang không biết xử lý ra sao, nếu phát hiện sản phẩm bị lỗi, hỏng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây hai sức khỏe của bản thân và người tiêu dùng khác.
Vụ việc chai nước ngọt có ruồi đã tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội mạnh mẽ. Thậm chí, trên mạng Facebook đã xuất hiện Fanpage kêu gọi “tẩy chay” hãng nước ngọt này. Tính đến nay, Fanpage này đã thu hút gần 4000 người thích, đồng ý. Trong những câu chuyện hài hước với nhau, người ta luôn nhắc ăn sâu vào đầu chuyện “nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng”. 
Bẫy người tham tiền?
Trên tờ Bưu Điện, Luật sư Vũ Văn Dũng (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng: “Người tiêu dùng này có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, có quyền liên hệ với nhà sản xuất để khiếu nại sản phẩm, được quyền nhận tiền bồi thường trên cơ sở các thiệt hại thực tế. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật. Việc sử dụng quyền không phù hợp dẫn đến hậu quả pháp lý không mong muốn, tôi cho rằng cả 2 bên đều ứng xử chưa phù hợp, đều có phần lỗi góp phần gây ra hậu quả".
Còn theo LS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Nếu con ruồi trong chai nước uống Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là có thật thì đây là vấn đề dân sự. Anh ta có quyền thỏa thuận tiền với công ty sản xuất sản phẩm. Điều này hoàn toàn không có dấu hiệu hình sự. Nếu phía công ty làm ăn chính đáng, đàng hoàng thì họ phải thương lượng với anh này. Nếu không thương lượng được thì các bên ra tòa án giải quyết. Còn nếu anh này tạo ra con ruồi rồi tống tiền doanh nghiệp thì mới có dấu hiệu hình sự của tội "Cưỡng đoạt tài sản".
“Quả thật nếu trong chai nước có con ruồi thì doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đã quá tàn nhẫn và người tiêu dùng nên tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Xét tổng thể, nếu Tân Hiệp Phát suy nghĩ thấu đáo thì họ không cư xử như thế này. Người tham mưu giải quyết vụ này quá hồ đồ dẫn đến mất uy tín nghiêm trọng của một doanh nghiệp lớn”, LS Tú nhận định.
Nhiều người cho rằng, công ty Tân Hiệp Phát đã cố tình đẩy người dân vướng vào vòng lao lý.
 Nhiều người cho rằng, công ty Tân Hiệp Phát đã cố tình đẩy người dân vướng vào vòng lao lý.
Theo LS Trương Anh Tú, việc sau 3 lần thương lượng với khách hàng, phía Công ty Tân Hiệp Phát đã chốt giá “đổi chai nước chứa con ruồi lấy sự im lặng của khách hàng” lấy 500 triệu đồng. Tuy nhiên, họ lại báo công an. Đến khi hai bên đang giao dịch thì công an bắt quả tang và tạm giữ hình sự người dân này để điều tra, làm rõ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" thì cách làm của công ty này chẳng khác gì gài bẫy người dân vi phạm pháp luật.
LS Tú cũng thẳng thắn cho rằng, quá trình điều tra và bắt giam của công an chưa thực sự chặt chẽ. Để vụ việc khách quan và công luận không nghi ngờ phía cơ quan chức năng thì theo tôi trong quá trình lấy lời khai nhất định phải có Luật sư tham gia. Vì nếu không, rất có thể trong quá trình lấy cung anh Minh sẽ thừa nhận mình đã làm giả ra chai nước ngọt (không loại trừ trường hợp ngay cả khi đó là chai nước có con ruồi thật của Tân Hiệp Phát).
Ngoài ra, TS Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đánh giá, cách hành xử của khách hàng và Công ty Tân Hiệp Phát đều không đúng, đặc biệt phía doanh nghiệp. 

TS Vương Ngọc Tuấn cho rằng khi phát hiện chai nước ngọt có ruồi bên trong khi chưa sử dụng, là người tiêu dùng anh có quyền khiếu nại sản phẩm, yêu cầu doanh nghiệp làm rõ vấn đề, lý giải tại sao lại có chuyện con ruồi có trong chai nước ngọt? Trong trường hợp cần thiết, nếu doanh nghiệp không có lý giải cụ thể có thể mời bên thứ 3 vào kiểm nghiệm tìm nguyên nhân sự việc. Còn cách đòi doanh nghiệp phải trả hàng trăm triệu phải khẳng định là hành động sai.
Người tiêu dùng kêu gọi "tẩy chay"
“Không ủng hộ cách làm của Tân Hiệp Phát, một cách hành xử bỉ ổi. Rất mong cơ quan chức năng phải điều tra quy trình sản xuất và kinh doanh của công ty này có đúng pháp luật hay không? Tôi tin rằng, công ty không trong sạch. Tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát ngay từ bây giờ”- một khách hàng bày tỏ thái độ.
Một người tiêu dùng khác thì hoài nghi về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp này: “Tân Hiệp Phát phải giải trình về việc tại sao có con ruồi trong chai nước và liệu quá trình sản xuất có đúng quy trình vệ sinh thực phẩm hay không. Nếu con ruồi thật sự có trong quá trình sản xuất vậy liệu sản phẩm có an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng không? Tân Hiệp Phát mà không giải thích về vụ việc rõ ràng thì liệu tôi có dám tin tưởng mà sử dụng sản phẩm nữa không?”
Thậm chí, có người còn khẳng định, Tân Hiệp Phát đã giăng ra cái bẫy để một người tiêu dùng quá tham tiền mắc phải: “Việc bồi thường cho người mua phải hàng kém chất lượng là đương nhiên, số tiền bồi thường theo thỏa thuận hai bên và được chấp thuận, sao lại gọi là “tống tiền”? Việc Tân Hiệp Phát chấp nhận bồi thường nhưng lại báo công an bắt người nhận tiền với lý do “tống tiền” thể hiện sự bội ước, tráo trở lật lọng của doanh nghiệp này”.
Có những khách hàng đặt câu hỏi, nếu con ruồi có thật và sản phẩm đó do công ty Tân Hiệp Phát thì hậu quả sẽ ra sao? Chắc chắn là rất nghiêm trọng: "Tôi cho rằng cách tiếp cận của Tân Hiệp Phát đã là sai lầm về mặt truyền thông vì một trong những lý do:
Nếu tòa án xử Tân Hiệp Phát thắng, bỏ tù anh Minh thử hỏi sau này ai đó gặp trường hợp tương tự anh Minh họ sẽ thương lượng với Tân Hiệp Phát hay sẽ làm như anh Minh dự kiến làm (tặng thông tin cho các báo đài)? 
Nếu tòa xử anh Minh thắng, lúc bấy giờ cho thấy Tân Hiệp Phát lừa gạt anh Minh lại còn bị xử thua. Uy tín Tân Hiệp Phát lại càng đi xuống.
Giờ chưa biết ai thắng, ai thua nhưng một bên là một cá nhân, một bên là 1 tập đoàn. Tân Hiệp Phát vẫn thua. Thử hỏi ai sẽ tin dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát? 
Theo tôi cách tiếp cận tốt nhất là nhờ một bên trung gian (có thể là luật sư, có thể là đại diện chính quyền) ngồi cùng với anh Minh để đưa ra sự thỏa thuận hợp lý chứ không nên "chơi" lại anh Minh như vậy!".
Một độc giả khác thì phản hồi với PLVN: “Không uống nước của Tân Hiệp Phát nữa. Đã sản xuất bẩn mà còn chơi xấu. 500 triệu đồng sẽ lấy lại được, nhưng danh tiếng mất thì sẽ mất mãi mãi. Tôi rất ít bình luận chuyện của người khác, nhưng đọc xong bức xúc kiểu xử lí quá tệ của công ty. Cầm 500 triệu về mà đóng cửa công ty. Làm ăn lớn mà suy nghĩ nhỏ vậy!”
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm