Vụ dịch vụ của nhà mạng tự ý kết nối: Thanh tra Bộ TT&TT lên tiếng

(PLO) - Sau khi  báo PLVN có loạt bài phản ánh về việc nhà mạng tự ý kết nối dịch vụ cho khách hàng rồi tự động trừ tiền khiến dư luận bức xúc, Thanh tra Bộ TT&TT đã có văn bản trả lời phỏng vấn của báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Vụ dịch vụ của nhà mạng tự ý kết nối: Thanh tra Bộ TT&TT lên tiếng
Theo văn bản trả lời phỏng vấn của báo PLVN, Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định: Nếu thông tin phản ánh của khách hàng đến Báo Pháp luật Việt Nam là đúng sự thật, nghĩa là thuê bao di động thuộc Mobifone bị kích hoạt dịch vụ, bị trừ tiền trong tài khoản mà đơn vị cung cấp không có hợp đồng, thoả thuận trước với khách hàng; người tiêu dùng không đăng ký sử dụng dịch vụ, không biết bị kích hoạt dịch vụ, không có thông tin đầy đủ về dịch vụ, giá cước dịch vụ mà vẫn bị thu tiền thì đơn vị cung cấp đã vi phạm các quy định Điều 4, Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2005, vi phạm Khoản 2, Khoản 3 Điều 8, Khoản 5 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, vi phạm Khoản 6 Điều 12, Khoản 2 Điều 13 Luật Giá năm 2012, vi phạm Khoản 3 Điều 25, Điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Viễn thông năm 2009,   và Khoản 1, 2, 3 Điều 78 Luật Thương mại năm 2005.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ TT&TT cũng lưu ý: Mobifone có quyền ký kết hợp đồng với doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ nội dung trên hạ tầng mạng của mình nếu dịch vụ không bị cấm. Việc xác định chủ sở hữu dịch vụ là Mobifone hay đối tác của Mobifone phải căn cứ trên hợp đồng mà Mobifone ký kết với đối tác. 
Nếu đủ căn cứ để kết luận thuê bao di động đã bị kích hoạt dịch vụ, bị trừ cước mà không đăng ký dịch vụ, không hiểu rõ về dịch vụ, không được thông tin về điều kiện sử dụng dịch vụ, giá cước dịch vụ, không được thoả thuận trước thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm được xác định như sau:
- Trường hợp hợp đồng giao kết giữa Mobifone và đối tác quy định Mobifone là chủ sở hữu dịch vụ, có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về toàn bộ dịch vụ cung cấp thì sai phạm thuộc về Mobifone
- Trường hợp hợp đồng giao kết giữa Mobifone và đối tác quy định Mobifone quy định đối tác của Mobifone là chủ sở hữu dịch vụ, có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về toàn bộ dịch vụ cung cấp thì sai phạm thuộc về trách nhiệm của đối tác
- Trường hợp hợp đồng không xác định rõ chủ sở hữu dịch vụ thì có nghĩa là cả Mobifone và đối tác của Mobifone cùng phối hợp cung cấp dịch vụ. Như vậy, sai phạm thuộc cả Mobifone và đối tác của Mobifone.
Về việc khắc phục hậu quả, Thanh tra Bộ TT&TT nói rõ: Trường hợp chủ sở hữu dịch vụ là đối tác của Mobifone thì trách nhiệm của Mobifone là phải phối hợp với đối tác để rà soát, xác định lại đầy đủ có bao nhiêu thuê bao bị đối tác tự ý kích hoạt? Số tiền hoàn trả cho người tiêu dùng đã đầy đủ hay chưa? Đã thực hiện biện pháp kỹ thuật, bổ sung nội dung giao kết để đối tác không tự kích hoạt dịch vụ người tiêu dùng hay chưa? Vì thực tế, thuê bao di động là khách hàng trực tiếp của Mobifone, hệ thống tính cước và trừ cước do Mobifone thực hiện.
“Nếu phản ánh của khách hàng đến Báo Pháp luật Việt Nam là đúng sự thật, quan điểm của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông là: 
- Mọi vi phạm hành chính liên quan đến việc tự ý kích hoạt dịch vụ phải được ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
- Mọi đối tượng thực hiện hành vi tự ý kích hoạt dịch vụ và thu tiền của người tiêu dùng đều phải bị xử lý vi phạm.
Việc trước mắt là Mobifone cần rà soát lại tất cả các dịch vụ do mình trực tiếp cung cấp; rà soát lại hoạt động cung cấp dịch vụ của các đối tác để xác định những đối tác nào tự ý kích hoạt dịch vụ, thuê bao nào bị kích hoạt dịch vụ, số tiền đã bị thu không đúng là bao nhiêu để có biện pháp giải quyết, xử lý phù hợp. Đồng thời, rà soát lại quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ để ngăn chặn việc đối tác có thể tự kích hoạt dịch vụ của thuê bao thuộc mạng Mobifone.” Công văn nêu rõ.
Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.” 
Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào.”
Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.
Khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền: “Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
Khoản 5 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cấm: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hoá, dịch vụ đã cung cấp mà không có thoả thuận trước với người tiêu dùng”.
Khoản 6 Điều 12 Luật Giá năm 2012 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ: Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình theo quy định.
Khoản 2 Điều 13 Luật Giá năm 2012 quy định người tiêu dùng có quyền: “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ”. 
Khoản 3 Điều 25 Luật Viễn thông năm 2009 quy định: “Việc cung cấp dịch vụ viễn thông được thực hiện trực tiếp hoặc bán lại dịch vụ trên cơ sở hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông giữa doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông với người sử dụng dịch vụ viễn thông”.
Điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Viễn thông năm 2009 quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông có quyền: “Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng dịch vụ viễn thông”.
Khoản 1, 2, 3 Điều 78 Luật Thương mại năm 2005 quy định trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây: “1. Cung ứng các dịch vụ và thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thoả thuận và theo quy định của Luật này; 2. Bảo quản và giao lại cho khách hàng tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc; 3. Thông báo ngay cho khách hàng trong trường hợp thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm để hoàn thành việc cung ứng dịch vụ”.
Còn nữa...

Đọc thêm