Vụ hàng chục người ngất xỉu tại siêu thị BigC: Né trách nhiệm?

(PLO) - Đại diện nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đều lắc đầu “không có hồ sơ thiết kế”, “không biết gì” về hoạt động kinh doanh tầng hầm của trung tâm thương mại lớn hàng đầu Thủ đô - The Garden.
Vụ hàng chục người ngất xỉu tại siêu thị BigC: Né trách nhiệm?
Quản lý vận hành tòa nhà phải chịu trách nhiệm?
Liên quan đến vụ việc nhiều người ngất xỉu tại BigC The Garden vào tối 14/3, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đều khẳng định trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn hoàn toàn thuộc về đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.
Ông Bùi Trung Dung - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - cho hay căn cứ thông tin ban đầu thì đây là tòa nhà được xây dựng và đưa vào vận hành khá lâu.
Hoạt động xây dựng công trình này được quản lý theo Luật xây dựng 2003 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật xây dựng cùng giai đoạn.
“Việc các tiêu chuẩn, quy định về thoát hiểm, thông gió, thông khí, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành... phải do cơ quan cảnh sát PCCC, an toàn lao động... thẩm định và phê duyệt trước khi vận hành. Do đó sự cố này sẽ do các đơn vị chức năng trên xem xét” - ông Dung nói.
Bình luận về việc cơ quan chức năng và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà đưa ra lý do là ngạt khí do xe máy gây ra, ông Dung cho rằng chưa hoàn toàn thuyết phục.
“Theo nhận định của tôi, để gây ra ngất xỉu đồng loạt và nhanh như thế có khả năng lớn là do khí gas xuất phát từ đâu đó chứ không phải từ xe máy” - ông Dung nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Viên (Ðại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng nếu nguyên nhân do ngạt khí từ hầm của tòa nhà thì rõ ràng tòa nhà được thiết kế và xây dựng chưa đảm bảo an toàn về thông khí, thông gió.
Theo ông Viên, nếu đây là nguyên nhân chính xác được kết luận cuối cùng thì cần phải có giải pháp khắc phục ngay trước khi đưa vào vận hành trở lại.
Trong một diễn biến khác, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đã chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ việc hàng chục người bị ngất hàng loạt tại siêu thị BigC The Garden.
Theo ông Chung, trước mắt sẽ cấm toàn bộ việc để ôtô, xe máy trong tầng hầm tòa nhà để điều tra nguyên nhân.
Kết quả kiểm tra ban đầu của cơ quan chức năng xác định hàng chục người ngất xỉu do ngạt khí, ngộ độc khí thải...
Trước đó, sáng 15/3, đoàn liên ngành đã lập tổ điều tra để làm rõ vụ việc tại BigC The Garden.
Đại tá Trần Quang Trong, Trưởng công an quận Nam Từ Liêm cho biết, sáng nay đoàn liên ngành đã lập tổ điều tra để làm rõ vụ việc.
Tòa nhà nơi BigC hoạt động gồm 5 tầng nổi, 3 tầng hầm. Siêu thị nằm ở tầng hầm thứ 3, thông với tầng hầm thứ 2 - nơi có nhiều rất nhiều xe máy - là một cầu thang cuốn.
Nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu.
 Nhiều người đã phải nhập viện cấp cứu.
“Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân dẫn đến một số khách hàng và nhân viên siêu BigC The Garden bị ngất là do khói xăng ở các xe máy bốc ra. Ngoài ra, khu vực tầng hầm gửi xe không có quạt thông gió, nên khi có lượng người và xe máy đông, khiến không khí ở khu vực này ngột ngạt và chuyện ngất của mọi người sẽ xảy ra. Đến khi tòa nhà hoàn thiện hệ thống thông gió ở khu vực tầng hầm gửi xe thì mới cho hoạt động trở lại”, Đại tá Trong cho biết.
Cũng theo đại tá Trong, cơ quan Công an quận đã kiến nghị lên Thành phố, tạm đình chỉ hoạt động của tòa nhà nơi xảy ra sự cố khiến một số khách hàng và nhân viên siêu thị BigC The Garden ngất phải nhập viện.
Đùn đẩy trách nhiệm?
The Garden là trung tâm thương mại lớn hàng đầu của thành phố nhưng các cơ quan chức năng đều lắc đầu cho hay “không nắm được thông tin”. Đại diện UBND phường Mễ Trì cho biết, đây là trung tâm thương mại có khá nhiều nhà hàng ăn uống và lượng khách ra vào đông.
Tuy nhiên, phường này thừa nhận là không nắm được thông tin về thiết kế, cấp phép hoạt động của trung tâm thương mại này. “Đây là vấn đề do cơ quan chuyên ngành của thành phố quản lý, phường không nắm được”, đại diện UBND phường nói. 
Trong khi đó, khi được hỏi về giấy phép kinh doanh tầng hầm, ông Chu Văn Đức, Đội trưởng Đội thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm cho rằng: “Khi tòa nhà The Garden được xây dựng, thanh tra xây dựng không được phép kiểm tra. Việc kiểm tra hoạt động siêu thị Big C Garden do Đội quản lý thị trường số 6 thực hiện”.
Ông Nguyễn Đình Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6, quận Nam Từ Liêm cho hay, cơ quan này đã kiểm tra hoạt động kinh doanh của Big C Garden. Việc cấp phép kinh doanh hoạt động siêu thị thuộc về trách nhiệm của Sở Công Thương. “Chúng tôi chỉ kiểm tra giấy phép của Sở Công Thương về phân hạng hoạt động siêu thị. Còn việc tầng hầm có được phép làm siêu thị hay không chúng tôi không biết”.
Ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho rằng: “Việc cấp phép hoạt động kinh doanh siêu thị phải hỏi bên cơ quan phòng cháy chữa cháy. Bên đó sẽ quản lý hoạt động việc để xe dưới tầng hầm có đúng quy định hay không. Chúng tôi chỉ phân hạng siêu thị chứ không cấp phép hoạt động. Bên PCCC sẽ cấp phép hoạt động phòng cháy chữa cháy”. 
Đại diện UBND quận Nam Từ Liêm thì cho biết, không được bàn giao hồ sơ thiết kế tòa nhà!
Đại diện UBND phường Mễ Trì kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra làm rõ các điều kiện an toàn tại siêu thị Big C Garden và có biện pháp phòng ngừa nhằm tránh xảy ra tình trạng hàng chục người phải nhập viện như vừa qua. 
“Trung tâm thương mại là nơi có lượng người ra vào rất lớn nên cần kiểm tra giám sát chặt chẽ”, vị đại diện phường Mễ Trì khẳng định.
Theo Phòng cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), thì dù đây là công trình miễn giấy phép nhưng về quản lý nhà nước thì UBND quận Nam Từ Liêm phải là một trong những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện, vận hành dự án khi đã hoàn thành theo thiết kế được duyệt. 
“Việc sử dụng tầng hầm làm siêu thị tại The Garden rất cần được kiểm tra lại. Việc cấp phép kinh doanh phải trên cơ sở phê duyệt dự án xây dựng trung tâm thương mại của UBND thành phố”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay. 
Ông Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định: Sẽ kiểm tra lại việc cấp phép cho hoạt động của siêu thị. Về sự cố vừa qua, ông Nghi cho rằng: “Không phải do cháy nổ mà do hỏng hóc hệ thống điều hòa. Chúng tôi đã cử cán bộ cùng công an quận Nam Từ Liêm điều tra nguyên nhân. Nếu liên quan đến hệ thống cháy nổ chúng tôi sẽ xử lý”. 
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị BigC cho biết , phía BigC đã nhận được thông báo sơ bộ từ tòa nhà là nguyên nhân sự cố do hệ thống điều hòa bị hỏng. Theo ông Nguyên, bản thân Big C là đơn vị thuê lại mặt bằng của tòa nhà này. Hiện phía BigC đang liên hệ để làm việc cụ thể hơn với ban quản lý tòa nhà để tìm hiểu rõ nguyên nhân sự cố đáng tiếc tối 14/3.
Ông Tạ Văn Thành - Trưởng phòng Truyền thông Tập đoàn Bitexco (đơn vị quản lý tòa nhà The Garden) - cho biết, đến thời điểm hiện tại, các nạn nhân đã được xuất viện và sức khỏe bình phục trở lại. Đơn vị này đã thăm hỏi, động viên và bàn bạc với phía Big C để hỗ trợ cho các nạn nhân sớm nhất.
Theo ông Thành, ngoài nguyên nhân lượng xe máy ùn ứ quá đông sinh ra lượng khí độc và yếu tố thời tiết làm cho không khí tự nhiên không vào hầm được, một nguyên nhân khác khiến nhiều người đồng loạt xỉu là do nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống thông gió không đánh giá hết được mức độ nghiêm trọng, không bật hệ thống hút khí dự phòng.
Đánh giá về vụ việc, ông Thành cho đây là sự cố chưa từng xảy ra kể từ khi tòa nhà đi vào hoạt động năm 2009. Trước đó đã có nhiều sự kiện lớn tổ chức tại tòa nhà như Vietnam Next Top Model, Vietnam's Got Talent… với lượng khách lớn hơn nhiều sự kiện hôm 14/3.
Để tránh sự cố đáng tiếc lại xảy ra, ngày 16/3, Ban quản lý đã họp bàn các giải pháp khắc phục sự cố tương tự. Với các sự kiện tổ chức đông người, Ban quản lý sẽ phân bổ lượng xe ở phía trên bãi đỗ xe nổi của tòa nhà, bật tối đa hệ thống thông gió dự phòng; đặc biệt sẽ cảnh báo không để cho hành khách nổ máy ở trong hầm nếu đông người.
Báo động ô nhiễm không khí trong cao ốc

Môi trường không khí trong nhà rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Ở các nước đều có quy định các giới hạn cho phép về nồng độ các chất ô nhiễm không được vượt quá. Nhưng ở Việt Nam, hiện nay chỉ có tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở xung quanh nhà.

Nguyên nhân bị ô nhiễm ở trong nhà đầu tiên là do từng nhà có thiết kế, sử dụng không hợp vệ sinh gây ra, nên tất cả các hơi của CO hoặc SO2, NOX sẽ lan truyền trong nhà gây ra ô nhiễm. Vụ việc vừa qua chính là do thiết kế trong nhà không thông thoáng, không có lối thoát cho các hơi độc hại ở trong nhà; thứ hai là bản thân người sử dụng tự gây ra các nguồn ô nhiễm đó mà không biết, nên quá mức thì sẽ sinh ra sự cố.

Việc tổ chức thông thoáng trong nhà ở các tòa cao ốc ở ta rất kém, thường theo thiết kế của phương Tây, nhà đóng kín, cửa kính nhiều nên nhiệt trong nhà bị tích đọng nhiều, các hơi ô nhiễm trong nhà cũng bị tích đọng. Trong cả một khối nhà lớn như vậy sẽ tích đọng rất nhiều chất ô nhiễm trong đó, nếu nhà thiết kế không được thông thoáng thì sẽ nguy hiểm, có thể không gây ra sự cố nhưng chất lượng kém rất dễ bị các bệnh ốm đau, gây ra các bệnh hiểm nghèo…

Đặc biệt đối với nhà cao tầng, người thiết kế cũng như chủ đầu tư Việt Nam phần lớn không nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu của Việt Nam mà bắt chước các nước phương Tây.

(Ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường).

Phải giám sát chặt hệ thống thông gió các tòa cao ốc

Theo GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về môi trường không khí, vụ việc  hàng chục người ngất xỉu do ngạt khí ở Big C Garden, ngày 14/3/2015 là một sự cố ngạt khí nghiêm trọng. Để hạn chế các sự cố tương tự, phải kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống thông gió trong các tòa cao ốc. GS Hiển cho biết, không khí trong các toà nhà ô nhiễm nặng hơn nhiều lần không khí bên ngoài do khả năng lưu thông khí rất hạn chế, rất nhiều khí độc tồn tại như  CO, Bezene, Formaldehyde; ozone. Vì vậy, việc xây dựng, vận hành của hệ thống thông gió các toà nhà phải được giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở Việt Nam, bác sỹ Đinh Xuân Ngôn, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, năm 2010 viện đã tiến hành nghiên cứu không khí trong nhà trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã xây dựng dự thảo về tiêu chuẩn chất lượng không khí trong các tòa nhà. Dự thảo đã hoàn thiện và trình lên Cục Quản lý Môi trường Y tế từ cuối năm 2013 nhưng đến nay chưa thấy ban hành. 
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...



Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư:baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm