Vụ “Kiểm tra 65 tấn dược liệu nhập từ TQ“: Vừa đá bóng, vừa thổi còi

(PLO) - Theo một công văn hướng dẫn của cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, dược liệu muốn nhập khẩu vào Việt Nam cần xuất trình đầy đủ hai loại giấy tờ là C/O, C/Q. Tuy nhiên, qua vụ việc kiểm tra 65 tấn dược liệu Trung Quốc tại Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), quy định này bộc lộ nhiều bất cập.
Bao bì đóng gói của Công ty Dược Sơn Lâm khá sơ sài, nhiều dược liệu bị lòi ra bên ngoài
Bao bì đóng gói của Công ty Dược Sơn Lâm khá sơ sài, nhiều dược liệu bị lòi ra bên ngoài
Có thể bổ sung thủ tục?
Trước vấn nạn dược liệu nhập khẩu tràn lan, không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, ngày 22/7/2015 Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) có Công văn số 189 đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nhập khẩu dược liệu khi thông quan phải xuất trình hai loại giấy tờ là C/O, C/Q (giấy chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa). 
Hai tháng sau, ngày 29/9 các đơn vị liên ngành gồm Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) Bộ Công an, Phòng Chống buôn lậu Cục  Hải quan Lạng Sơn, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) phát hiện và tạm giữ hơn 65 tấn dược liệu của Cty Dược Sơn Lâm (Văn Điển, Hà Nội) để kiểm tra xuất xứ, chất lượng. 
Đây là Cty đầu tiên và có thể là duy nhất đến nay được Cục Quản lý Y dược cổ truyền xác nhận C/O, cũng có nghĩa là doanh nghiệp (DN) duy nhất được phép nhập khẩu. Khi bị giữ hàng, Cty cho rằng họ có đầy đủ thủ tục C/O và C/Q; việc nhãn mác không ghi đầy đủ thông tin là do “sơ suất” của nhân viên.
Sáng qua (5/10), trao đổi với phóng viên Báo PLVN qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chi Ma cho biết, ngày 01/10, Đoàn kiểm tra thuộc Cục Quản lý Y dược cổ truyền do bà Hồng Phương – Phó Cục trưởng dẫn đầu đã lên Chi cục Hải quan Chi Ma kiểm tra chất lượng 65 tấn dược liệu đang tạm giữ. 
Theo ông Minh, đến thời điểm này đã có kết luận của Cục Quản lý Y dược cổ truyền. Theo đó, 65 tấn dược liệu đảm bảo chất lượng. Còn vấn đề trên tờ nhãn hiệu thiếu các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, trọng lượng, cách thức bảo quản, ông Minh cho biết DN sẽ phải làm lại thủ tục này trước khi thông quan và sẽ bị xử phạt hành chính vì lỗi vi phạm này. 
“Khi nào vụ việc được giải quyết xong, chúng tôi sẽ có văn bản gửi cho Báo PLVN”, ông Minh nói.
Ai có thẩm quyền kiểm tra chất lượng?
Ông Nguyễn Hữu Minh cho biết, hiện lực lượng Hải quan tại cửa khẩu không có cán bộ chuyên môn về y dược. Do đó, khi thấy DN thực hiện đủ thủ tục theo quy định thì cơ quan Hải quan thực hiện các bước thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm có tương đồng với giấy chứng nhận không thì cơ quan Hải quan không thể kiểm soát. 
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, khi DN nhập khẩu dược liệu cầm tờ C/O đến đăng ký thông quan, cán bộ Hải quan phải so sánh, đối chiếu. “Ngay cả dấu đỏ cũng có thể làm giả nên chúng tôi đặc biệt chú ý đến mẫu chữ ký. Nếu phát hiện có sự khác lạ dù nhỏ nhất về chữ ký, lập tức chúng tôi phải kiểm tra lại chứng nhận C/O” -  một lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết.
Vị này thừa nhận, kiểm tra C/Q sẽ khó khăn hơn nhiều so với kiểm tra C/O. Vì vậy, khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các ngành chuyên môn phải chịu trách nhiệm thẩm tra chất lượng, chủ yếu qua khâu hậu kiểm để tạo điều kiện thông thoáng khi thông quan. Như vụ việc 65 tấn dược liệu vừa qua, việc thẩm tra chất lượng do Cục Quản lý Y dược cổ truyền thực hiện. 
Tuy nhiên, dư luận cho rằng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền là cơ quan nhà nước cấp xác nhận nguồn gốc xuất xứ dược liệu cho DN, nay cũng cũng chính cơ quan này lại là đơn vị đứng ra kiểm tra chất lượng dược liệu khi nhập khẩu là chưa khách quan, có tính chất “vừa đá bóng vừa thổi còi”. 
Hơn nữa, cho đến nay Cty Dược Sơn Lâm là DN duy nhất được Cục Quản lý Y dược cổ truyền cấp chứng nhận C/O, CQ để nhập khẩu dược liệu, phải chăng sự việc có dấu hiệu độc quyền, thiếu minh bạch. Do đó, thẩm quyền thẩm tra dược liệu trong trường hợp này phải thuộc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm nghiệm độc lập trong vai trò “người thứ ba”.
Vì quyền lợi người tiêu dùng và bệnh nhân, việc siết chặt nhập khẩu dược liệu là hợp lí. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên thống nhất, tìm giải pháp để việc nhập khẩu dược liệu vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi cho DN và cơ quan Hải quan, nhưng lại vừa đảm bảo khách quan, minh bạch.
Theo Chi cục Hải quan Chi Ma, cách đây không lâu, đơn vị đã thu giữ 11 tấn dược liệu nhập lậu của Cty Cổ phần  Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đại Lâm (trụ sở tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Số hàng này được cất giấu trong xe tải nhập hoa quả khô đúng thủ tục. Sau khi phát hiện, Hải quan Chi Ma đã lập biên bản thu giữ. Hiện hồ sơ vụ việc đã được chuyển Cục Hải quan Lạng Sơn, chờ xử lý.

Đọc thêm