Xâm phạm thương hiệu được bảo hộ: Viện nói có, Sở bảo không…

(PLO) - Sau khi phát hiện việc xâm phạm quyền bảo hộ thương hiệu, doanh nghiệp đã khiếu nại lên Cục Sở hửu trí tuệ (SHTT), Viện Khoa học SHTT và Sở Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT). Tuy nhiên, không hiểu sao Sở KHĐT lại cho rằng hành vi xâm phạm trên không thuộc trường hợp tên trùng và tên gây nhầm lẫn.
Xâm phạm thương hiệu được bảo hộ: Viện nói có, Sở bảo không…
Tháng 10/2013, Công ty CP Giám định Đại Việt (Công ty Đại Việt, trụ sở tại quận 3, TP.HCM) đã hoàn tất hồ sơ khởi kiện Công ty CP Davicontrol (trụ sở tại quận 10, TP.HCM) đã có hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang được Cục SHTT TP.HCM bảo hộ.
Theo hồ sơ thể hiện, Công ty Đại Việt là chủ sở hữu nhãn hiệu “DAVICONTROL và hình” cho dịch vụ giám định hàng hóa, được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 125821 ngày 27/05/2009. Đầu năm 2012, Công ty Đại Việt phát hiện Công ty Davicontrol (tên cũ là Công ty cổ phần giám định Davicontrol), đã sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp cho dịch vụ giám định hàng hóa tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “DAVICONTROL và hình” của Công ty Đại Việt đang được bảo hộ.
Sau khi phát hiện Công ty Davicontrol có hành vi xâm phạm nhãn hiệu, Công ty Đại Việt đã khiếu nại tới Sở KHĐT TP.HCM, Cục SHTT yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, đính chính và thay đổi tên. Tuy nhiên, ngày 19/7/2012, Sở KHĐT có CV 5951/SKHĐT-ĐKKD trả lời, căn cứ Điều 31, Điều 34 Luật Doanh nghiệp và Điều 13, Điều 15 Nghị định 43 thì tên Công ty CP Giám định Đại Việt và Công ty CP Giám định Davicontrol không thuộc trường hợp tên trùng và tên gây nhầm lẫn.
Trong khi đó, trong CV số 81/SHTT-VP2 ngày 13/06/2012, của Cục SHTT TP.HCM kết luận: “Công ty Đại Việt được cấp GCN đăng ký nhãn hiệu số 125821 bảo hộ nhãn hiệu chữ “DAVICONTROL và hình” đang còn hiệu lực đến ngày 4/07/2017 dùng cho dịch vụ giám định hàng hóa.
Như vậy Công ty Đại Việt được độc quyền sử dụng nhãn hiệu chữ “DAVICONTROL và hình” dùng cho dịch vụ giám định hàng hóa. Vì vậy việc bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu “DAVICONTROL và hình” như trong GCN 125821 cho dịch vụ giám định hàng hóa mà không được Công ty Đại Việt cho phép sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và tên thương mại”.
Và do đó, “Bản sao “Thông cáo về thương hiệu công ty Cổ Phần Giám định DAVICONTROL” do công ty CP Giám định DAVICONTROL phát hành ngày 18/05/2012 để thông cáo chức năng giám định mà không được Công ty Đại Việt cho phép thì Công ty CP Giám định DAVICONTROL bị coi là đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và tên thương mại của Công ty Đại Việt.  
Tại Bản kết luận giám định số NH222-12 YC/KLGĐ ngày 28/08/2012 của Viện KHSHTT cũng kết luận: “Dấu hiệu “DAVICONTROL” được sử dụng dưới danh nghĩa tên thương mại trình bày tại “Bản Thông cáo về thương hiệu” Công ty CP Giám định Davicontrol là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “DVC, DAVICONTROL và hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 125821 của Công ty CP Giám định Đại Việt.”
Ông Bùi Lê Cương - Tổng Giám đốc Công ty Đại Việt bức xúc, mặc dù ông đã khiếu nại đến cơ quan cấp phép nhưng sự việc doanh nghiệp ông bị vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sở dĩ Công ty ông khởi kiện ra tòa là với mong muốn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc khởi kiện ra tòa yêu cầu phía Công ty CP Davicontrol chấm dứt hành vi sử dụng tên thương mại, đồng thời là tên doanh nghiệp xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “DAVICONTROL và hình” và phải xin lỗi, cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng…
Công ty Đại Việt còn đề nghị bị đơn phải bồi thường những chi phí hợp lý khác. 
Theo đại diện Công ty Luật Hợp danh  Phạm & Đặng Nguyễn: Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009, cụ thể là tại điểm c, khoản 1, Điều 129 quy định: Các hành vi như sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu...

Đọc thêm