Xử nghiêm trường hợp ép giá, tung tin thất thiệt về thịt lợn

(PLVN) - Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trong đó trọng tâm là tình hình nguồn cung thịt lợn.

Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNN đảm bảo nguồn cung thịt lợn trước và sau Tết nguyên đán. Ảnh: IT
Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNN đảm bảo nguồn cung thịt lợn trước và sau Tết nguyên đán. Ảnh: IT

Trước đó, ngày 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn, bình ổn giá cuối năm. 

Nguồn cung thịt lợn: Còn khoảng 25 triệu con

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2019 chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9.0% do thiệt hại bị bệnh DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn).

Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như Công ty C.P, Masan, Mavin… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh,…) để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Dự kiến nhu cầu thịt lợn hai tháng trước Tết nguyên đán vào khoảng 600.000 tấn. Ảnh: IT
 Dự kiến nhu cầu thịt lợn hai tháng trước Tết nguyên đán vào khoảng 600.000 tấn. Ảnh: IT

Về dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu các tháng cuối năm, bao gồm cả thực phẩm của các địa phương trọng điểm: Thành phố Hà Nội (đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng) và TP Hồ Chí Minh (đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng) đang tổ chức triển khai kế hoạch dự trữ thực phẩm phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và phục vụ Tết nguyên đán.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, nhiều địa phương đã chủ động dự trữ các nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; tỉnh Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn từ nay đến Tết âm lịch so với nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn cho 3 tháng trước và sau Tết âm lịch.

Theo dự báo, nhu cầu về thịt lợn trong hai tháng 12/2019 và 1/2020 khoảng 600.000 tấn.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách

Theo số liệu của Bộ NN&PTNN, từ tháng 1 đến tháng 11/2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu (NK) là 96.000 tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, trong tháng 11/2019, thịt lợn được NK nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là Đức, sau đó là Hoa Kỳ, Hà Lan. Lượng NK này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết…

Bộ NN&PTNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, đồng thời có kế hoạch cho NK thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, NK thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến kiểm tra nguồn cung thực phẩm gia cầm tại Phú Thọ. Ảnh: Khương Lực
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến kiểm tra nguồn cung thực phẩm gia cầm tại Phú Thọ. Ảnh: Khương Lực

Trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến cho biết, hiện Bộ đã đề ra 6 giải pháp để thực hiện việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đồng thời ổn định tình hình giá cả thị trường, nhất là dịp Tết nguyên đán đang cận kề.

Trước hết, Bộ cùng các ban ngành địa phương chủ động, tập trungn công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP, tránh việc lây lan, tái phát trở lại tại nhiều địa phương.

Tiếp đến, việc tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải đồng thời với cam kết đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cần được nhân rộng để đảm bảo sản xuất.

Ngoài thịt lợn và chăn nuôi lợn, việc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc lớn, gia súc ăn cỏ, gia cầm cũng cần được chú trọng. Tuy nhiên cần phải đảm bảo ba nguyên tắc: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, cân đối cung cầu và đảm bảo an sinh.

Việc nhập khẩu thịt lợn được tính đến nhưng tuyệt đối nói không với lợn và sản phẩm thịt lợn bán bất hợp pháp qua biên giới cũng như nhập khẩu lợn lậu vào nước ta. Các biện pháp tuyên truyền, thông tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh thường xuyên để người dân, người nuôi nắm bắt kịp thời, giảm thiểu thiệt hại tới mức tối đa.

Đến ngày 20/12, Bộ NN&PTNN cho biết, tổng sản lượng các loại thực phẩm gia cầm, gia súc và thủy hải sản đã tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh DTLCP. Cùng với đó, nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường.

Phát biểu chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.

Đọc thêm