Tìm cơ chế linh động cho nhà ở xã hội

Nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng thể hiện trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ thông qua, sẽ “mở” ra những hướng giải quyết ách tắc đang tồn tại trong phân khúc nhà ở xã hội.

Nếu các đề xuất của Bộ Xây dựng thể hiện trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ thông qua, sẽ “mở” ra những hướng giải quyết ách tắc đang tồn tại trong phân khúc nhà ở xã hội.
Nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được giảm giá trong thời gian tới
Nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được giảm giá trong thời gian tới

 Thí điểm căn hộ diện tích 25m2

Theo dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2 và nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở liền kề thấp tầng tại các đô thị loại I và loại II. Tuy nhiên, những quy định trên đây chỉ được áp dụng khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận đầu tư hoặc phê duyệt dự án theo quy định.
Đối với quỹ nhà cho thuê, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải dành tối thiểu 20% tổng diện tích sàn nhà ở trong phạm vi dự án dành để cho thuê; sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê, chủ đầu tư dự án được phép bán quỹ nhà ở này cho người đang thuê thuộc đối tượng quy định trong Nghị định.

Dự thảo Nghị định cũng “mở đường” cho DN ngoài nhà nước xây dựng nhà ở xã hội. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước tại các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II thì phải là nhà chung cư, không khống chế số tầng. Tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 30m2, tối đa không quá 70 m2. Chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện hành, phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thời gian khống chế chuyển giao: 5 năm
Dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp cho thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì người thuê mua phải nộp tiền lần đầu bằng 20% giá trị nhà ở, phần còn lại được nộp theo thời hạn do bên cho thuê mua quy định nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ ngày ký hợp đồng.
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
Khoảng thời gian khống chế chuyển giao này đã được thay đổi “thực tế hơn” so với hiện tại, khi rút từ mức 10 năm xuống còn 5 năm. Theo đó, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua. 
Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán lại nhà ở xã hội cho người khác thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn nhà đó, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán lại nhà ở. 
Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư từ ngân sách) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Giá bán lại nhà ở xã hội không cao hơn mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán lại nhà ở đó. 
Khu công nghiệp: Phải có nhà ở cho người lao động
Theo dự thảo, đối với các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành, Ban quản lý khu công nghiệp của địa phương hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có trách nhiệm tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng khu nhà ở xã hội được phân bổ vào tiền thuê đất tại khu công nghiệp đó. 
Trường hợp khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập (hoặc điều chỉnh quy hoạch), thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để bổ sung quỹ đất giao cho chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương. 
Đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì UBND cấp tỉnh được phép tổ chức thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất công nghiệp của khu công nghiệp đó theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất công nghiệp của khu công nghiệp đó để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Để tránh chồng chéo trong quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với các văn bản quy phạm pháp luật, việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ được thực hiện theo quy định của Nghị định này thay vì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và các Quyết định số 66, 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành./.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: 

Thời gian tới, giá nhà thu nhập thấp sẽ rẻ hơn rất nhiều

- Ở các thành phố lớn, vẫn còn rất nhiều người dân có nhu cầu mua nhà ở vì họ đang phải sống trong môi trường vô cùng chật chội. Tuy nhiên, họ không dư dả về tiền bạc. Khi chúng ta đưa ra nhà xã hội, có hạ tầng đồng bộ, môi trường tốt, an toàn, giá phù hợp thì chắc chắn sẽ thu hút được người dân. Việc đưa ra quy định ưu đãi và quan tâm đến người nghèo là một chủ trương lớn, một chiến lược cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. 

Trước đây, loại hình nhà ở xã hội được xây dựng manh mún, nhỏ lẻ, chỉ mang tính thí điểm ở các thành phố lớn, chưa được hệ thống một cách đồng bộ, do đó có thể còn tồn tại một số vấn đề. Lần này, chúng tôi làm quyết liệt chương trình nhà ở xã hội và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cam đoan thời gian tới, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Hiện nay, ở Bình Dương đã có nhà diện tích 36m2 với tổng trị giá chỉ 150 triệu đồng. Loại nhà này rất phù hợp với túi tiền của người dân. 

PLKT

Đọc thêm