Tìm luật … “khai tử” doanh nghiệp

Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) hôm qua, 17/8, tổ chức Hội thảo “Những giải pháp pháp lý cần xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường”… Nhiều ý kiến đã được trình bày nhằm tháo gỡ trước tình cảnh, một số DN trong nước “sống dở, chết dở”.

Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) hôm qua, 17/8, tổ chức Hội thảo “Những giải pháp pháp lý cần xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường”… Nhiều ý kiến đã được trình bày nhằm tháo gỡ trước tình cảnh, một số DN trong nước “sống dở, chết dở”.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, tính đến hết ngày 30/4/2012, trong tổng số 647.627 DN đang hoạt động (71,6%), 81.929 DN đã giải thể, 16.075 DN đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
Theo Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong số 9.331 DN được chọn làm mẫu điều tra có 784 DN phá sản. Kết quả điều tra cho thấy, trong ba loại hình thì DNNN có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất; trong số các DN phá sản, 69,9% DN phản ánh nguyên nhân là kinh doanh thua lỗ, còn lại là do yếu tố thiếu vốn, không tiêu thụ được hàng, khó khăn về địa điểm, chuyển ngành, sáp nhập …  
Hội đồng Thi hành án tiến hành cưỡng chế trong vụ việc tại Bà Rịa- Vũng Tàu
Theo các chuyên gia, con số DN “chết thật” và “chết lâm sàng” trên thực tế còn lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, số DN “chết” đã làm thủ tục phá sản, giải thể lại rất nhỏ. Cụ thể, năm 2011, tổng số đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là 138; tòa án thụ lý 130 vụ, trả lại đơn 4 vụ, chuyển Tòa án khác giải quyết 4 vụ. Trong đó, Tòa án đã quyết định mở thủ tục phá sản 112 vụ, quyết định không mở thủ tục phá sản 7 vụ, số vụ việc tồn lại là 11 vụ. 
Những vướng mắc được các chuyên gia pháp lý chỉ ra, đó là những quy định pháp luật, thủ tục pháp lý, rồi do chính sự dễ dàng của Luật DN khiến có người lập tới … 40 công ty nhưng rồi làm ăn không hiệu quả, khi “tê liệt”, thậm chí “chết rồi” cũng “chẳng thèm” đi làm các thủ tục giải thể, phá sản….
Đơn cử, theo TS. Nguyễn Thị Dung - Trường Đại học Luật Hà Nội- điều kiện giải thể DN quy định tại Khoản 2 Điều 157 LDN: “DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”.
Tuy nhiên, thiếu văn bản hướng dẫn việc “thế nào là đảm bảo thanh toán”, bà Dung kiến nghị, các văn bản hướng dẫn nên dựa trên nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự, cụ thể: “Nếu đạt được sự thỏa thuận với chủ nợ, có thể thanh lý nợ của DN giải thể bằng cách chuyển giao nghĩa vụ trả nợ sang cho chủ sở hữu DN (chủ DN tư nhân, thành viên công ty)”. Bởi lẽ, việc đòi hỏi “phải thanh toán hết nợ” sẽ là không phù hợp đối với trường hợp DN không trả hết nợ nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản và không có chủ thể nào “dại gì” đệ đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc phá sản.
Đặc biệt, trong các văn bản pháp luật quy định, tòa án có thẩm quyền “tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật” hoặc “tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật”. Tuy nhiên, chưa tìm thấy quy định trong các văn bản pháp luật về tố tụng quy định Tòa án có thẩm quyền “tuyên bố giải thể một DN hay chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư” cũng là vướng mắc đối với các DN muốn hoặc buộc phải giải thể.
Thêm nữa, các quy định về phá sản cũng không kém phần rắc rối và “không thiếu” những bất cập. Thạc sĩ Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng, định nghĩa Điều 3 Luật Phá sản “DN, HTX không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi có chủ nợ yêu cầu thì bị coi là lâm vào phá sản” là quy định định tính, không phù hợp mà nên có những tiêu chí cụ thể về “các trường hợp DN rơi vào tình trạng phá sản”.
Bởi lẽ, trong lúc khó này không hiếm DN "chơi xấu" nhau bằng cách thay vì khởi kiện vụ dân sự, kinh tế nhằm đòi nợ, thì họ làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản để đòi nợ. Đồng thời, do chưa có hướng dẫn cụ thể, khiến Luật Phá sản không thể “đi” vào cuộc sống, thiếu những quy định hướng dẫn những biện pháp bảo đảm thi hành quyết định thu hồi tài sản của Thẩm phán, những quy định cho phép Tổ quản lý, thanh lý tài sản được quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức, DN không chấp hành quyết định của Tòa án.
Do đó, việc thi hành quyết định thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn và hiệu quả kém… 
Còn rất nhiều những vướng mắc trong các văn bản pháp luật như Luật Phá sản, Luật Đầu tư, Luật DN … khiến các DN “ngắc ngoải” này khó “rút lui” khỏi thị trường, thế nên mới có cảnh DN “chết” rồi cũng chẳng thèm “chôn”, không còn trụ sở, bị thu hồi Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế … xong cũng “quên” luôn làm  thủ tục giải thể, hoặc phá sản theo quy định của pháp luật…
Mai Hoa 

Đọc thêm