Tìm phương án "giải cứu" doanh nghiệp phá sản hàng loạt!

Các giải pháp tháo gỡ cần tập trung vào những cái khó nhất của DN, đó là thanh khoản và thiếu vốn. Với lãi suất cho vay hiện nay, theo khảo sát, phần lớn DN đều cho rằng quá sức của họ.

[links()] Lần đầu tiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố rộng rãi số doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngừng hoạt động trên cả nước.

Theo đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm, có 1.664 DN giải thể và 1.595 DN tạm ngừng hoạt động. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương phải nắm chắc về tình hình DN; phân tích, làm rõ thực trạng những khó khăn của DN, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh DN để duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động.

ảnh minh hoạ

Hai đầu tàu kinh tế cùng gặp khó

Tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, hiện có 60% DN nhỏ và vừa sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% DN có cơ hội vượt qua khủng hoảng.

Trong 2 tháng đầu năm nay, TP có khoảng 3.000 DN tạm ngừng hoạt động, nâng tổng số DN đang tạm ngừng hoạt động lên con số trên 10.000 DN. Ông Huỳnh Văn Minh, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM khẳng định:Số lượng DN TP. HCM chiếm khoảng 40- 50% số lượng DN cả nước. Nhiều DN đang “sống dở, chết dở”, nếu không có thuốc đặc trị trước sau gì cũng sẽ phá sản”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: 
Tăng trưởng tín dụng hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012, cụ thể là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số, đồng thời bảo đảm được tăng trưởng ở mức hợp hợp lý (khoảng 6%); tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có các giải pháp xử lý hiệu quả; hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát; giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại của nền kinh tế để phục vụ cho phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo tăng trưởng tín dụng hợp lý để vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát; bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, ổn định tỷ giá; hỗ trợ tín dụng xây dựng nhà cho các đối tượng xã hội, người có thu nhập thấp.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc về tình hình DN; phân tích, làm rõ thực trạng những khó khăn của DN, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động.

Còn tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết trong hai tháng đầu năm nay,  Sở đã làm thủ tục giải thể cho 169 DN, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả các DN làm ăn thua lỗ, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có tới 50.000 DN làm ăn thua lỗ, phá sản. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT ngày 30/3, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/3, có trên 15,3 nghìn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 74,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8% về số lượng DN và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Cần tiếp tục lộ trình giảm lãi suất

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ 8, khóa V vừa diễn ra, tình hình DN làm ăn thua lỗ, phá sản, giải thể là một nội dung quan trọng được nhiều người nhắc tới. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch ngân hàng Seabank, khó khăn hiện đang thực sự ngấm vào từng “tế bào” của DN, dẫn tới nhiều DN liêu xiêu và ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Nguyên nhân chính được các thành viên Ban chấp hành VCCI chỉ ra là DN khát vốn trong khi cửa các ngân hàng không hề rộng mở.

Hiện tượng DN phá sản hàng loạt đang làm đau đầu các nhà quản lý và các nhà kinh tế. Trong tình hình hiện nay, việc “cứu” các DN phá sản như thế nào cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Tiếp cận vốn khó là một chuyện, vấn đề lãi suất ở mức cao so với tình trạng làm ăn cầm chừng của DN trong thời gian gần đây mới thực sự là nguyên nhân dẫn tới tình trạng DN lao dần tới miệng vực.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ nhận định: Nguyên nhân chủ yếu khiến DN bị phá sản không phải do bản thân DN gây ra, mà do yếu tố khách quan có thể kể đến là chính sách, môi trường, là cách điều hành và yếu tố bên ngoài của nền kinh tế thế giới. 

Theo phân tích của ông Kiêm: “Lợi nhuận của các DN thường khoảng từ 10 – 15%, nếu DN hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận rơi hết vào ngân hàng. Vì vậy, lãi suất là nguyên nhân rất quan trọng, dù không quyết định hoàn toàn khiến DN làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản”.

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, nhiều thành viên Chính phủ nhận định lãi suất còn ở mức cao đã làm ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của DN. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất, tạo các điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận được với nguồn vốn, quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng, cần phải tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển sản xuất. Việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp là điểm mấu chốt để duy trì tăng trưởng GDP ở mức hợp lý.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế- Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Hà Nội:
Phá sản là chuyện bình thường của cơ chế thị trường
“Phá sản là chuyện bình thường của cơ chế thị trường, hàng loạt DN phá sản nhưng tổng các yếu tố không đổi, tổng con người, tổng tài sản trong quốc gia không đổi. DN phá sản hàng loạt cũng là một cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu.
Theo tôi, thời gian tới, quá trình phá sản, sáp nhập sẽ tiếp tục. Quá trình đó gắn với xu hướng tái cấu trúc của DN. Đó là xu thế không thể đảo ngược bởi vì sức đề kháng của DN Việt Nam đang yếu, mức độ cạnh tranh thấp”.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: 
Để doanh nghiệp phá sản hàng loạt là phi kinh tế
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, quan điểm cho rằng DN phá sản là cơ hội tái cơ cấu DN, khai tử những DN quá yếu kém, để sản sinh ra cá thể mới khỏe mạnh là hoàn toàn phi kinh tế, bởi nếu ở trong một môi trường kinh tế ổn định, DN nào yếu kém phải tự bị đào thải, còn DN tốt sẽ phát triển – điều đó phù hợp với quy luật tự nhiên.
Nhưng hiện tại, kinh tế vĩ mô của chúng ta đã được kiểm soát, nhưng chưa thực sự ổn định, lãi suất còn cao thì làm sao để DN rơi rụng hàng loạt được, điều đó chưa thực sự công bằng.
Giả định, có khoảng 2 – 3% bị phá sản trong một môi trường tốt thì đó là bình thường, nhưng trong một môi trường còn khó khăn, bất ổn, số DN phá sản có thể lên tới 30% – 40% thì không thể nói để DN rơi rụng được.
Ông Cao Sỹ Kiêm,  Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ: 
Tình hình đang diễn ra rất không bình thường
Tình hình đang diễn ra rất không bình thường, số lượng DN phá sản quá lớn và đang tiếp tục gia tăng. Phải nói rằng đây là vấn đề lớn của đất nước, không những của DN mà của cả nền kinh tế.
Hệ thống DN bị phá sản nhiều, vấn đề thu ngân sách gặp khó, ngân hàng gặp rủi ro, người lao động thất nghiệp - vấn đề an ninh, trật tự xã hội cũng bị ảnh hưởng… tất cả những hệ lụy đó sẽ tác động lên tiến trình phát triển của đất nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:
Các giải pháp cần tập trung vào thành khoản và thiếu vốn
Các giải pháp tháo gỡ cần tập trung vào những cái khó nhất của DN, đó là thanh khoản và thiếu vốn. Với lãi suất cho vay hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn DN đều cho rằng quá sức của họ.
Có hiện tượng DN thiếu vốn, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho vay được. Lý do một phần vì DN rất khó chứng minh tính hiệu quả của dự án trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay. Chính quyền các cấp cần vào cuộc mạnh mẽ, năng động hơn....
Trong tình hình lạm phát cao hiện nay, bên cạnh giảm lãi suất, tôi cho rằng Chính phủ cần ưu tiên các giải pháp về giãn, giảm thuế, phí, các khoản đóng góp khác cho ngân sách... Nếu Nhà nước giảm thu, DN vượt qua khó khăn thì sau này nguồn thu sẽ được củng cố, tăng cường, giúp thu được nhiều hơn trong tương lai.

Lan Phương  

Đọc thêm