Tín hiệu mới tại thị trường Mỹ

"Tôi tin rằng đã đến lúc cuộc chiến giá quay trở lại với ngành công nghiệp ôtô toàn cầu", CEO Hyundai

"Tôi tin rằng đã đến lúc cuộc chiến giá quay trở lại với ngành công nghiệp ôtô toàn cầu", giám đốc điều hành Hyundai tại Mỹ, ông John Krafcik cho biết trong bài phát biểu tại Chicago Auto Show 2011.

Tuyên bố của John Krafcik, CEO hiện tại của Hyundai tại Mỹ và cũng là một trong số những CEO hàng đầu thế giới có thể được xem là một phát súng chính thức mở màn cho cuộc “chiến tranh giá cả” giữa những hãng xe “anh cả” trên thị trường Mỹ. Những áp lực mới đang đè nặng lên vai những người khổng lồ. Việc tăng chiết khấu trên doanh số bán xe mới nhằm lôi cuốn khách hàng có thể đem lại những lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng nhưng bên cạnh đó sẽ khiến lợi nhuận của các hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi thị trường mới chỉ bước vào năm thứ 2 của giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng và những tín hiệu tăng trưởng vẫn còn rất bấp bênh.

Gần đây nhất, General Motors đã bắt đầu chạy các chương trình cắt giảm giá và ngay sau đó là sự nối gót củaToyota. “Quá khích” với mức tăng trưởng doanh số 23% vừa đạt được vào tháng 1/2011, GM quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch nâng doanh số dựa trên chương trình siêu khuyến mãi trong tháng 2 với mức chiết khấu lên tới 4.000 USD cho mẫu xe Buick Lucerne và 2.500 USD cho mẫu sedan Chevrolet Malibu bán tại thị trường Mỹ. Toyota cũng không nằm ngoài cuộc đua khi liên tiếp đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn bao gồm dịch vụ cho thuê tùy chọn chi phí thấp và hỗ trợ lãi suất 1,9% đối với các khách hàng mua mẫu SUV Highlander.

"Tôi tin rằng đã đến lúc cuộc chiến giá quay trở lại với ngành công nghiệp ôtô toàn cầu" - phát biểu của CEO Hyundai tại Mỹ, ông John Krafcik

Hyundai, hãng xe châu Á thành công nhất trong năm 2010 cho biết hãng vẫn đang tích cực theo dõi động thái của các đối thủ còn lại để đưa ra phương án cho riêng mình. Tuy nhiên, John Krafcik nhấn mạnh giảm giá chắc chắn không phải là kế hoạch mà hãng xe lớn nhất Hàn Quốc hướng tới trong tương lai gần.

Xét một cách sâu xa, chính những khoản tài trợ cho người mua xe khá lỏng lẻo tại Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra sự bất ổn của nền kinh tế và kéo đến sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng vừa qua, bên cạnh các khoản vay bất động sản. Tuy nhiên, khi cơ hội cho một giai đoạn tăng trưởng mới quay trở lại, các hãng xe có vẻ như đã quên mất bài học kinh nghiệm nhãn tiền vừa qua để lại “mù quáng” chạy theo cơn lốc giảm giá. Điều này thực sự rất đáng lưu tâm, nhất là khi 3 hãng xe Detroit vừa mới vin vào ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2009 để đàm phán lại những gói hợp đồng lao động với lực lượng công nhân làm thuê, đóng cửa một số nhà máy trong dây chuyền sản xuất và cắt giảm tối đa các chi phí đầu vào.

Đọc thêm