Cảm động buổi công khai xin lỗi tử tù Trần Văn Thêm

(PLO) - Những đau đớn, tủi hờn dồn nén, những định kiến xã hội dành cho gia đình ông Trần Văn Thêm - người mang oan án giết người nửa thế kỷ - đã được trút bỏ trong buổi xin lỗi công khai
Cảm động buổi công khai xin lỗi tử tù Trần Văn Thêm

Hôm nay (11/8), liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức lễ công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), và công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm. 

Trước giờ diễn ra buổi lễ, phóng viên đã có mặt tại nhà ông Thêm. Tại đây, từ sáng sớm đã có rất nhiều người nhà cùng bà con hàng xóm đến để cùng ông Thêm tới Trung tâm huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Xuân  - con cả ông Thêm cho biết, thời điểm ông Thêm bị bắt khi ấy bà mới 11 tuổi, thời gian đầu, chỉ mình bà Tô Thị Gái (vợ ôngThêm) đến thăm ông ở trong trại.

Ngày đưa ông Thêm ra xét xử, chị Xuân đi tàu hỏa ra Hà Nội để tham dự cùng mọi người, khi nghe tòa tuyên án bố bị án tử hình, chị Xuân đã khóc nức nở ôm trầm lấy bà Gái.

Chị Xuân tâm sự: “Nhà có 5 người con, một mình mẹ tôi phải làm lụng vất vả để nuôi các em, tôi là con cả trong nhà nên sớm nhận thức nỗi vất vả của cha mẹ nên tuổi thơ của tôi không được chạy nhảy như bao bạn bè khác”.

“Sau khi cha tôi bị kết án tử hình, gia đình đã gửi đơn cầu cứu, đơn kêu oan đến rất nhiều nơi nhưng không được giải quyết. Chỉ đến khi hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, cha tôi mới được minh oan” – chị Xuân chia sẻ.

Chị trần Thị Xuân (trái) và chị Trần Thị Hoa chia sẻ với phóng viên.
Chị trần Thị Xuân (trái) và chị Trần Thị Hoa chia sẻ với phóng viên.

Cũng theo lời chị Xuân, năm 1975 hung thủ giết người Phùng Thanh Nhàn bị bắt, ông Thêm về nhà và cùng bà Gái đẻ thêm người con thứ 6 là anh Trần Văn Sáu. Đến tháng 5/1982, bà Gái qua đời và lao lực, một mình ông Thêm gà trống nuôi con, đến khi các con lớn một mình ông lại đứng ra dựng vợ, gả chồng.

Tiếp lời chị Xuân, chị Trần Thị Hoa (người con thứ 4) chia sẻ, chỉ đến khi ông Thêm được minh oan, các luật sư vào cuộc thì định kiến của dân làng đối với gia đình chị mới chấm dứt. Trước đó gia đình đã phải rất khổ sở về cái nhìn dị nghị của bà con hàng xóm, của gia đình bị hại. Những cái nhìn đó đến bây giờ vẫn ám ảnh trong tâm trí chị Hoa.

“Mấy đêm nay tôi nằm để tay lên trán nghĩ ngợi về những tháng ngày qua, nghĩ mà khổ cực chú ạ. Mẹ tôi chỉ vì lo cho bố tôi và các con mà lao lực qua đời. Anh chị em tôi tự bảo ban nhau mà sống. May mà cuối cùng ánh sáng công lý cũng đến với gia đình tôi” – chị Hoa giãi bày.

Trước khi đến buổi lễ công khai, bà Xuân nói: “Tôi xin cảm Đảng và Chính Phủ đã minh oan giúp gia đình tôi. Cảm ơn đối với các vị luật sư đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh và đem lại quyền lợi cho bố tôi. Cuối cùng, do sự đã rồi nên tôi mong muốn các cơ quan ban ngành bồi thường cho gia đình tôi được thỏa đáng, theo đúng quy định của pháp luật”.

Ông Thêm được người nhà và luật sư dìu vào hội trường.
Ông Thêm được người nhà và luật sư dìu vào hội trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Thêm cho biết đêm qua ông không ngủ được vì hồi hộp từng giây, từng phút để chờ đợi giây phút này. Giây phút ông và người nhà đã phải đợi gần nửa thế kỷ. 

Tại buổi lễ, có hàng trăm người dân kéo đến chúc mừng ông và gia đình đã lấy lại được sự trong sạch. 

Tại buổi lễ, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ tưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố quyết định đình chỉ bị can. 

Theo đó, kết quả điều tra cho thấy, có căn cứ xác định ông Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn. Căn cứ các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ bị can đối với bị can Trần Văn Thêm. 

“Đây là 1 văn bản pháp lý của 1 cơ quan có thẩm quyền tố tụng xác định ông Trần Văn Thêm không phạm tội giết ông Nguyễn Khắc Văn”-Thiếu tướng Vũ Quang Hưng nói. 

Tiếp đến, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng đã trao quyết định này cho ông Trần Văn Thêm. 

Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Thêm.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng trao quyết định đình chỉ bị can cho ông Thêm.

Sau đó, Thiếu tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an đã tặng hoa cho ông Trần Văn Thêm. 

Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Tối cao đọc lời công khai xin lỗi: 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Thêm nói: “Xin cảm ơn Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND chúng tôi biết ơn ông Bùi Văn Hoà, phó Chánh án TAND Tối cao và lãnh đạo công ty Luật Hoà Lợi đã không quản ngại khó khăn vất vả để tìm lại bản án, nhân chứng làm chứng cứ để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết oan sai cho tôi thì mới có được ngày hôm nay. 

Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây”.

Theo hồ sơ vụ án, ông Trần Văn Thêm và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen. Đêm 23-7-1970, hai anh em vào ngủ tại một lều cắt tóc thì bị cướp tấn công.

Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Ông Văn bị tử vong trên đường đi cấp cứu. 

Sau đó, ông Thêm đã bị cáo buộc giết em họ để cướp của. Tháng 8-1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên tử hình ông Thêm. Tháng 8-1973, cấp phúc thẩm cũng cũng y án sơ thẩm vì HĐXX cho rằng đủ căn cứ tuyên tử hình ông vì tội Giết người và Cướp tài sản. Suốt quá trình bị bắt cũng như tại toà, ông Thêm liên tục kêu oan. 

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn (trú tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật. 

Trên cơ sở quyết định của giám đốc thẩm, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Trần Văn Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng rồi cho về quê mà không cấp cho bất kỳ giấy tờ nào khác. Về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm.  

Trở về nhà, ông Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình.

Đọc thêm