GĐ Trung tâm OSCA từng phẫu thuật nâng ngực thẩm mỹ khiến khách hàng tử vong

(PLO) - Tại Trung tâm thẩm mỹ viện Hà Nội, 257 Giải Phóng, vào ngày 30/4/2011, chính tay bác sĩ Phạm Văn Ái đã thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực cho một nữ khách hàng nhưng sự cố đã xảy ra, và nữ khách hàng này tử vong ngay trên bàn mổ. Ngay sau đó, ông Ái bị khởi tố về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 99 Bộ luật Hình sự.

Bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ tịch Trung tâm OSCA.
Bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ tịch Trung tâm OSCA.
Trước việc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA Hà Nội) mổ phẫu thuật nhân đạo miễn phí cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch tại tỉnh Khánh Hòa, làm ba cháu bé bị tử vong. Sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ thì việc Trung tâm OSCA tồn tại và hoạt động đến thời điểm hiện tại đang là tâm điểm dư luận đặt ra câu hỏi: Gần như là một trung tâm “chui” nhưng vẫn tồn tại và để ra sự việc đau lòng trên, trách nhiệm của cơ quan nào đối với trung tâm này?
Lãnh đạo là người có “duyên” gây tử vong

Theo PV báo PLVN tìm hiểu thì người đứng đầu Trung tâm OSCA là bác sỹ Phạm Văn Ái, bác sỹ này từng hoạt động y tế trong quân đội và là giám đốc của một Trung tâm thẩm mỹ viện Hà Nội tại trên đường Lê Duẩn sau đó chuyển về 257 Giải Phóng, Hà Nội.

Tại Trung tâm thẩm mỹ viện Hà Nội, 257 Giải Phóng, vào ngày 30/4/2011, chính tay bác sĩ Phạm Văn Ái đã thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực cho một nữ khách hàng nhưng sự cố đã xảy ra, và nữ khách hàng này tử vong ngay trên bàn mổ. Ngay sau đó, ông Ái bị khởi tố về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo điều 99 Bộ luật Hình sự.

Tại thời điểm gây ra cái chết của khách hàng, cơ sở Thẩm mỹ viện của ông Ái không có giấy phép để thực hiện các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ, nâng và bơm ngực, và cơ sở này cũng nhiều lần vi phạm về hành vi kinh doanh và quảng cáo sai với nội dung quy định trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, vị bác sỹ này được cơ quan công an cho tại ngoại để tiến hành điều tra vụ việc. Trong quá trình chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, thì không hiểu tại sao ông Ái vẫn được tham gia hoạt động và được làm chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA Hà Nội) chỉ vài tháng sau đó.

Trở lại vụ việc Trung tâm OSCA làm tử vong 3 trẻ ở Khánh Hòa, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, Trung tâm mổ từ thiện OSCA chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật. Thậm chí, trong đoàn bác sĩ từ thiện có người không có chứng chỉ hành nghề.  Qua kiểm tra các bác sĩ của đoàn phẫu thuật, Sở Y tế Khánh Hòa phát hiện  có bác sĩ Lê Quốc Ân không có chứng chỉ hành nghề.

Ngoài ra, trong báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm OSCA không đề cập đến quy trình gây mê, phẫu thuật. Mà danh sách bệnh nhân do bác sỹ nào phẫu thuật cũng không được nói đến. Tại buổi làm việc, ông Ái cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai biến trẻ đầu tiên và thứ hai có thể do máy móc, trẻ thứ ba do bị tai biến, nguyên nhân được cho là do thuốc gây mê. Loại thuốc gây mê này được lấy từ kho dược của Bệnh viện Quân y 87. Nhưng đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, nguyên nhân tử vong đều do gây mê.

Trung tâm “chui”, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu thì Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA Hà Nội) được thành lập là một đơn vị trực thuộc của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một Sở không có chức năng về y tế.

Trong khi đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Trung tâm OSCA được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ với các lĩnh vực: Chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học thẩm mỹ và tạo hình. Đây là những lĩnh vực hoạt động có điều kiện nên trước khi thực hiện thì trung tâm phải được cấp phép của cơ quan quản lý về y tế. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chỉ cấp phép cho OSCA trong việc nghiên cứu và kêu gọi tài trợ cho chương trình phẫu thuật nụ cười chứ OSCA không có chức năng triển khai thực hiện việc phẫu thuật.

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là như vậy nhưng trên thực tế, việc Trung tâm OSCA thực hiện hoạt động khám chữa bệnh trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, trong suốt một thời gian dài từ cuối năm 2011 đến nay trên khắp cả nước thì Sở KHCN Hà Nội lại không biết và nắm rõ(?). Một đơn vị trực thuộc hoạt động trên khắp cả nước ra sao mà cơ quan chủ quản lại không nắm rõ?

Về thông tin Trung tâm OSCA Hà Nội là đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vì sao lại được phép khám chữa bệnh? Sở KHCN Hà Nội cho biết, về hoạt động khám, chữa bệnh và những hoạt động có điều kiện thì Trung tâm phải đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được cấp phép mới được thực hiện. việc này, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội không biết Trung tâm này đã được cấp hay chưa?

Trong khi đó Sở y tế Hà Nội cũng đã cấp giấy phép hoạt động cho Trung tâm OSCA  thế nhưng trong giấy phép không có hoạt động hành nghề phẫu thuật và dường như Sở y tế Hà Nội không quan tâm đến việc ai đứng đầu lãnh đạo trung tâm này? Sở y tế Hà Nội có biết hay không, người vừa vi phạm quy tắc nghề nghiệp để gây chết người lại đứng tên trong giấy phép hoạt động? Thậm chí có những bác sỹ không có tên trong giấy phép hành nghề và không có chứng chỉ hành nghề lại tham gia hoạt động mổ phẫu thuật của Trung tâm OSCA như bác sỹ Lê Quốc Ân, người không có chứng chỉ hành nghề lại tham gia ca phẫu thuật làm chết ba trẻ em.

Có phải Sở y tế Hà Nội chỉ cấp giấy phép hoạt động xong là hết trách nhiệm? Việc Trung tâm này hoạt động như thế nào Sở y tế Hà Nội, có bao nhiêu bác sỹ cũng không cần biết? Trong khi đó, kết quả thanh kiểm tra của Thanh tra Sở y tế Hà Nội trong những năm vừa qua không hề có tên Trung tâm OSCA vi phạm.

Có gây tử vong thì mới kiểm tra

Và chỉ khi xảy ra vụ việc làm tử vong ba trẻ ở Khánh Hòa vừa qua liên quan đến Trung tâm này thì Sở y tế Hà Nội mới tiến hành kiểm tra thủ tục hành chính, chứng chỉ hành nghề của các nhân viên tham gia phẫu thuật, giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất của Trung tâm Osca để báo cáo về Bộ Y tế.

Và ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở sẽ kiểm tra hoạt động, đơn vị cấp phép cho Trung tâm này(?). Và sẽ kiểm tra việc có hay không Trung tâm đứng ra tài trợ hay trực tiếp phẫu thuật từ thiện. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì Trung tâm Osca đã đóng cửa. Đến nay, Sở Y tế chưa nắm được số lượng bác sĩ làm việc tại đây.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không Sở y tế buông lỏng quản lý hoạt động của các trung tâm, các phòng khám tư nhân? Trung tâm OSCA không được cấp phép phẫu thuật nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật trong vài năm qua mà Sở y tế Hà Nội không biết? Và chỉ đến khi xảy ra tử vong tại các Trung tâm hay các phòng khám tư nhân thì mới biết và đi kiểm tra? Và nếu không có việc ba trẻ bị tử vong thì Trung tâm này còn “chui” đến bao giờ? Và sự việc nhãn tiền xảy ra năm ngoái tại Thẩm mỹ viện Cát Tường làm rung động xã hội và ngành y tế là một ví dụ điển hình./.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này...

Đọc thêm