Họp báo công bố cáo trạng vụ thảm sát tại Bình Phước

(PLO) - Chiều nay 4-11, Viện KSND tỉnh Bình Phước sẽ họp báo công bố cáo trạng vụ thảm sát tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. 
Họp báo công bố cáo trạng vụ thảm sát tại Bình Phước
Cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều thống nhất chỉ có ba bị can liên quan tới vụ án nhưng tới nay dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh vụ án chấn động này.
Sử dụng sim rác
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Phước xác định Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) là người chủ mưu và đã chuẩn bị rất kỹ để thực hiện hành vi phạm tội.
Để tránh bị phát hiện, trước khi gây án, Dương đã mua một sim “rác” của mạng Viettel để liên lạc với nạn nhân Dư Minh Vỹ (14 tuổi, là người bị Dương dụ ra mở cổng). Vào đêm trước khi gây án, Dương đã tới nhà các nạn nhân để thăm dò và chỉ dùng sim rác này để liên lạc với Vỹ.
Tuy nhiên, tới đêm 5-7, khi cùng Trần Đình Thoại tới gây án thì Dương lại quên mang theo sim rác này nên đã mượn điện thoại để nhắn tin cho Vỹ. Do Vỹ không trả lời nên sau đó Dương tiếp tục dùng số của Thoại để gọi cho Vỹ nhưng Vỹ không bắt máy. Do đó, Dương và Thoại mới phải bỏ về nên chưa thực hiện được ý định phạm tội.
Về vật chứng là chiếc sim “rác” của Dương, cơ quan điều tra đã không thu giữ được do xác định sau khi gây án, Dương đã bẻ gãy và ném xuống sông Sài Gòn.
Dấu vết tại hiện trường
Các cơ quan điều tra đã yêu cầu giám định vật chứng và các dấu vết tại hiện trường.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết các kết quả giám định có một số điểm đáng chú ý: dấu vết màu đỏ trên tay cầm cửa bên ngoài của nạn nhân Linh (trên lầu) và dấu vết trên găng tay thu giữ được tại phòng bà Nga được giám định trùng với ADN của bị can Nguyễn Hải Dương.
Còn bị can Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, nguyên quán Bình Phước, tạm trú tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng có dấu tay tại cuộn băng keo thu giữ tại phòng khách ngôi nhà xảy ra vụ án.
Trước khi gây án, Dương đã chuẩn bị công cụ khi đi mua 1 khẩu súng bắn bi sắt, 1 khẩu súng bắn điện, 1 con dao bấm, găng tay cao su, dây rút, băng keo, dây vải, gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay…
Các vật chứng này sau đó hầu hết đã được cơ quan điều tra tịch thu. Tuy nhiên, khi gây án, Dương và đồng phạm đã đeo găng tay để tránh để lại dấu vân tay tại hiện trường.
Còn nhiều dấu hỏi
Tới nay, nhiều tình tiết trong kết luận điều tra được nêu ra nhưng dư luận vẫn cảm thấy khó hiểu. Ví dụ như tại sao chỉ có hai bị can nhưng lại khống chế được sáu nạn nhân mà không bị chống cự?
Trong đó, kết luận điều tra nêu ông Lê Văn Mỹ (chủ ngôi nhà) đã từng định bỏ chạy rồi bị Dương và Tiến chích điện nhưng hàng xóm xung quanh không nghe thấy động tĩnh gì.
Tại sao nạn nhân Như đã có lúc gọi điện được cho cậu mình, đã nói được hai từ “cậu ơi” nhưng không la hét lên để báo động?...
Ngoài ra, kết luận điều tra xác định trên người bà Nga có nhiều vết đâm, nhưng Dương chỉ nhớ được 2 nhát.
Về những câu hỏi này, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước - cho biết sẽ giải đáp trong buổi họp báo chiều 4-11. Ngoài ra, tại họp báo này cũng sẽ nêu quá trình các cơ quan tố tụng của Bình Phước phối hợp nhau để giải quyết  vụ án; một số nguyên nhân dẫn tới vụ án, giải pháp phòng ngừa tội phạm…
“Viện kiểm sát đã tham gia ngay từ đầu trong vụ án này, ở từng giai đoạn của quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường, hỏi cung, thu giữ tang vật, lập hồ sơ vụ án… để đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, không để xảy ra oan sai và cũng không để lọt tội phạm” - ông Xuân nói.

Đọc thêm