Khởi tố 2 vụ vận chuyển voọc Hà Tĩnh và sơn dương

(PLO) - 13 cá thể voọc Hà Tĩnh bị "lâm tặc" sát hại dã man rồi sấy khô đem đi tiêu thụ, 1 cá thể sơn dương khác bị bẫy bắt rồi xẻ thịt.
13 cá thể voọc Hà Tĩnh bị sát hại dã man rồi sấy khô. Ảnh: Thành Vinh
13 cá thể voọc Hà Tĩnh bị sát hại dã man rồi sấy khô. Ảnh: Thành Vinh
Lúc 17h30' chiều 9/2, tại khu vực cầu Cha Lo 3 - hang Ka Xai, trong lâm phận VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa giới hành chính xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), lực lượng tuần tra của Trạm Kiểm lâm Dân Hóa thuộc Hạt Kiểm lâm vườn này thấy 2 đối tượng gồm: Cao Xuân Mạnh (1971), trú tại bản xã Dân Hóa và Đinh Tiến Phương (1980), trú tại xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa gùi 2 bao tải màu xanh đi từ hướng trong rừng Phong Nha ra ngoài.
ThTh Đối tượng Mạnh cùng các cá thể voọc Hà Tĩnh sấy khô. Ảnh: Thành Vinh
 Đối tượng Mạnh cùng các cá thể voọc Hà Tĩnh sấy khô. Ảnh: Thành Vinh
Kiểm lâm đã yêu cầu các đối tượng dừng lại để kiểm tra và phát hiện trong các bao tải có chứa các bộ phận của 13 cá thể cá thể voọc Hà Tĩnh gồm: phần đầu dính liền sườn, phần chi trước, phần chi sau và đuôi. Tất cả đã được cạo lông, sấy khô và có tổng trọng lượng là 30kg.
Mạnh và Phương khai nhận, họ đặt bẫy bắt được số voọc trên và cùng mổ thịt, sấy khô để vận chuyển về tiêu thụ.
Tiếp đó, khoảng 1h15' sáng 16/2, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa phận xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), lực lượng tuần tra của Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện 2 đối tượng Hoàng Văn Thắng (1994) và Hồ Đức Trọng (1997), cùng trú tại thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch gùi 2 bao tải từ trong rừng đi ra.
Bên trong 2 bao tải này chứa tổng cộng 42kg các bộ phận của 1 cá thể sơn dương do các đối tượng bẫy bắt trái phép từ trong rừng rồi xẻ thịt và vận chuyển ra ngoài.
Hai đối tượng vận chuyển trái phép thịt sơn dương. Ảnh: Thành Vinh
Hai đối tượng vận chuyển trái phép thịt sơn dương. Ảnh: Thành Vinh 
Sơn dương có tên khoa học là Naemorhedus sumatraensi, Voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis. Do mất môi trường sống cùng tình trạng săn bắn trái phép đã khiến 2 loài này bị liệt vào danh sách loài bị đe dọa của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN).
Ở Việt Nam, cả 2 loài này đều nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc diện nguy cấp và được Chính phủ ban hành nghị định cấm săn bắt, giết hại, buôn bán dưới mọi hình thức.

Sau khi tiến hành lập biên bản, tịch thu tang vật và trưng cầu giám định đối với 2 vụ vận chuyển động vật rừng quý hiếm trên, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm" quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự./.

Đọc thêm