Người đưa tin đồn Lê Văn Luyện bỏ trốn khỏi trại giam số 3 sẽ bị phạt thế nào?

(PLO) - “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.  – Luật sư Nguyễn Phú Thắng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết. 
Lê Văn Luyện vẫn đang thụ án tại Trại giam số 3.
Lê Văn Luyện vẫn đang thụ án tại Trại giam số 3.
Liên quan tới việc trong những ngày gần đây trên mạng Internet và một số các diễn đàn xuất hiện tin đồn thất thiệt về Lê Văn Luyện, đối tượng gây ra vụ án giết người cướp của ở tiệm vàng Ngọc Bích ở phố Sàn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã trốn khỏi Trại giam số 3 của Bộ Công an. Thông tin này khiến nhiều người giật mình lo lắng, đặc biệt đối với địa phương quê của Luyện ở tỉnh Bắc Giang.
Đại diện Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết đơn vị đã kiểm tra và xác định không có chuyện Lê Văn Luyện bỏ trốn. Hiện phạm nhân này vẫn đang thụ án tại phân trại số 1, Trại giam số 3. Luyện được Trại giam số 3 tạo điều kiện học giáo dục công dân, lao động cải tạo. Công việc hàng ngày của phạm nhân Lê Văn Luyện là làm hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện tại, sức khỏe Lê Văn Luyện bình thường, hàng ngày vẫn lao động, cải tạo như các phạm nhân khác.
Trước đó, hồi đầu năm 2014, cũng đã xuất hiện tin đồn Lê Văn Luyện bị đánh chết trong trại giam, lực lượng chức năng đã nhanh chóng xác minh qua các cán bộ trại giam và khẳng định thông tin này là thất thiệt.
Trung tá Nguyễn Sỹ Chương, Đội trưởng Đội trinh sát (Trại giam số 3) tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin Lê Văn Luyện bỏ trốn, ông cho biết: “Hiện tại phạm nhân Lê Văn Luyện đang thụ án tại phân trại 1, trại giam số 3. Cũng như các phạm nhân mới khác, Luyện được tạo điều kiện học giáo dục công dân. Công việc lao động hàng ngày của Luyện là làm mi mắt giả”.
Cán bộ trại giam số 3 cũng cho biết, những tin đồn thất thiệt như Lê Văn Luyện bị đánh chết hoặc bỏ trốn khỏi trại giam không loại trừ mục đích vu cáo công tác quản lý của trại giam, hoặc do một số trang mạng bịa đặt để nhằm mục đích xấu. Do vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo trước tin đồn thất thiệt để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Tuy nhiên, Bộ công an đã điều tra và xác nhận thông tin đó hoàn toàn không chính xác. Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội. 
PV: Theo quan điểm của Luật sư và các quy định pháp luật thì việc các cá nhân hoặc tổ chức… cố tình đưa tin đồn gây ảnh hưởng tới dư luận và sâu xa hơn là thực hiện mục đích vu cáo công tác quản lý của trại giam, hoặc do một số trang mạng bịa đặt để nhằm mục đích xấu… đã vi phạm gì?
LS Nguyễn Phú Thắng: Tại Điều 122 Bộ luật hình sự năm 2009 quy định về Tội vu khống như sau: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. 
Tuy nhiên “Tội vu khống” là tội phạm có cấu thành vật chất, do vậy đòi hỏi phải phát sinh hậu quả là gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và người phạm tội phải “biết rõ” thông tin là bịa đặt nhưng vẫn đăng tin trên mạng. Trường hợp người thực hiện hành vi không biết đó là thông tin giả hay còn nghi ngờ về mức độ chính xác của thông tin mà vẫn đăng lên mạng Internet thì không thỏa mã dấu hiệu chủ quan của tội phạm. Bên cạnh đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự một các nhân về tội danh này, cần phải xác định được khách thể của hành vi phạm tội tức là xác định ai là người bị hại.
Theo quan điểm cá nhân tôi, hành vi của chủ thể phát ngôn và thực hiện tung tin đồn trên mạng Internet về việc Lê Văn Luyện trốn khỏi trại giam số 3 có dấu hiệu vi phạm hành chính rõ hơn. Theo đó hành vi đã phạm vào điều cấm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ cụ thể như sau: 
“1.Lợi dụng cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích  
d) Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân;”
PV: Khi Bộ công an phát hiện ra những cá nhân, tổ chức có hành vi đưa  tin đồn  này sẽ bị xử phạt như thế nào? Trách nhiệm ra sao?
LS Nguyễn Phú Thắng: Như đã phân tích ở trên nếu một người hay một nhóm người thực hiện hành vi trên bị phát hiện thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ quan chức năng xác định được: Động cơ của hành vi đưa thông tin lên mạng Internet; Hậu quả trực tiếp đối với xã hội, tổ chức và cá nhân gây ra bởi hành vi này; Ý thức chủ quan của người đưa thông tin lên mạng Internet và những người truyền bá thông tin; Xác định được khách thể bị xâm hại; đồng thời phải có yêu cầu xử lý của cá nhân những người bị hại.
Ngoài ra người thưc hiện hành vi có thể có nguy cơ phải đối mặt với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật hình sự. 
Tóm lại, thông tin báo chí trong nước những ngày qua chưa đủ để khẳng định người thực hiện hành vi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không nếu không làm rõ được những dấu hiệu nêu trên. 
PV: Ở nước ta đã từng xử phạt những cá nhân, tổ chức nào về hành vi tung tin đồn như thế này chưa? 
LS Nguyễn Phú Thắng: Các cá nhân bị xử lý hình sự, cũng như xử lý hành chính về các hành vi tương tự là rất nhiều, có điều mỗi hành vi, mỗi vụ việc, vụ án có những tình tiết, nội dung, mức độ xử lý không giống nhau. 
PV: Từ vụ việc này, Luật sư có lời khuyên nào tới mọi người?
LS Nguyễn Phú Thắng: Người xưa có câu: “Họa từ miệng mà ra”. Pháp luật tồn tại để ngăn ngừa xử lý và trừng trị mọi hành vi kể cả với lỗi vô ý gây thiệt hại cho xã hội, tổ chức cá nhân nên người dân cần cân nhắc cẩn trọng trước khi thực thực hiện hành vi dưới mọi hình thức bao gồm cả việc chỉ đạo, xúi giục và thực hiện việc phát tán thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng Internet/.
Đối với các tổ chức, cá nhân ý thức rõ ràng động cơ, mục đích phạm tội, thực hiện hành vi một cách cố ý nhằm xâm hại về vật chất, danh dự, uy tín của một tổ chức, cá nhân, xâm hại các khách thể khác được pháp luật hình sự bảo vệ thì chắc chắn không tránh khỏi việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau cùng, nếu hành vi bị kết luận là tội phạm hình sự, thì đây là loại tội phạm mới, do vậy dưới góc độ lập pháp các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung  loại tội phạm này vào Bộ luật hình sự hiện hành. Như vậy sẽ đảm bảo được công tác đấu tranh phòng ngừa chung, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như có căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý người vi phạm.
Xin cảm ơn Luật sư! 

Đọc thêm