Phát lộ đường dây săn bắt, chế tác, tiêu thụ sản phẩm từ rùa biển

(PLO) - 4,4 tấn xác rùa biển khô, phải mất gần hai ngày với 6 xe tải cỡ lớn, lực lượng chức năng mới chuyển hết số tiêu bản rùa biển vi phạm tại một cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ tại xã Phước Đồng (TP.Nha Trang, Khánh Hoà). Sự việc này làm phát lộ một đường dây săn bắt, chế tác và tiêu thụ sản phẩm từ rùa biển trong suốt một thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”…
Một số hình ảnh tại buổi thu giữ một lượng lớn tiêu bản rùa biển tại cơ sở vi phạm.
Một số hình ảnh tại buổi thu giữ một lượng lớn tiêu bản rùa biển tại cơ sở vi phạm. 
Giật mình nhiều cá thể rùa đeo “chíp”
Chiều 21/11, tại buổi họp báo sau vụ việc, Đại tá Đào Văn Toản - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Khánh Hòa cung cấp với báo chí, chiều 19/11, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường– Bộ Công an bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng do ông Hoàng Tuấn Hải (42 tuổi, người địa phương) nhận là chủ. “Kiểm tra thì phát hiện tại xưởng và kho chứa rất nhiều mai rùa biển. Ngoài ra, một kho chứa rất lớn khác ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng do ông Hải làm chủ có hàng đống mai rùa biển với khối lượng rất lớn”, ông Toản cho hay.
Quá trình kiểm kê, lực lượng chức năng phát hiện xác rùa biển nằm la liệt khắp nơi, một phần nhỏ trong số đó đã và đang được chế tác thành hàng mỹ nghệ, còn phần lớn là xác rùa, hầu hết còn nguyên đầu, mai, vây, đã được làm khô sau khi ngâm dung dịch formol. Ở kho chứa thôn Phước Hạ, xác rùa biển chất cao vượt quá đầu người và được sắp xếp đầy trong hơn trăm bao tải lớn.
Có mặt tại đoàn kiểm tra, ông Bùi Quang Nghị - Trưởng phòng Quản lý chuyên môn bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang nói: “Tôi vô cùng bất ngờ khi lần đầu tiên thấy lượng xác rùa biển lớn cỡ này. Trong số rùa biển chết tại đây, rất nhiều cá thể còn đeo chip theo dõi. Thật ngoài sức tưởng tượng!”.
Qua 2 ngày kiểm tra các kho của cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ do ông Hải làm chủ, cơ quan chức năng đã lập biên bản bàn giao cho Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 204 bao tải chứa rùa biển với tổng khối lượng 4.368kg. Cụ thể, qua kiểm tra tại kho ở thôn Phước Lợi ngày 20/11, cơ quan chức năng đã thu giữ 29 bao, với khối lượng 586kg. Còn tại kho ở thôn Phước Hạ, trong 2 ngày 20 và 21/11, cơ quan chức năng đã thu giữ 175 bao, với khối lượng 3.782kg.
Một lượng lớn rùa bị phát hiện và thu giữ.
Một lượng lớn rùa bị phát hiện và thu giữ. 
Chủ cơ sở không biết mình vi phạm?!
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Hoàng Tuấn Hải- chủ cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ có chứa rùa biển nói: “Tôi hoàn toàn không biết buôn bán mặt hàng này lại bị cấm. Thấy nhiều người bán mai rùa khô thì mình mua về để đấy, ai ngờ vi phạm”. 
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của PC 49, năm 2009, em ruột của ông Hải là Hoàng Minh Cường cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý về việc nuôi, nhốt 849 con rùa biển ở Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang. Ông Hải mua lại xưởng chế tác ốc mỹ nghệ của em mình từ năm 2007. 
Theo lời ông Hải, từ năm 2010, ông mua gom mai rùa biển của người dân để chế tác hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch. Mỗi mai rùa biển mua vào với giá 200.000 - 300.000 đồng, sau khi chế tác thì bán khoảng 800.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, ông còn chế tác ốc biển mỹ nghệ. 
Ông Hải nói thêm: “Tôi nghĩ chỉ là đồ bỏ đi nên khi làm cũng không đăng ký với cơ quan chức năng. Giờ cơ quan chức năng bắt giữ mới biết mình làm trái pháp luật”.
Thông tin cơ sở chế tác tiêu bản rùa biển của ông Hải bị bắt giữ khiến chính quyền và người dân xã Phước Đồng hoàn toàn bất ngờ và “không ai nghĩ có chuyện như vậy xảy ra”. Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho rằng, ông chỉ biết nơi này trước kia là xưởng chế tác sản phẩm mỹ nghệ đồi mồi của ông Hoàng Minh Cường chứ không nghe là của ông Hải. Chính quyền cũng không biết ở các kho xưởng trên có chứa tiêu bản loại động vật hoang dã quý hiếm như vậy.
Còn ông Nguyễn Văn Hướng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cũng “giật mình” về thông tin trên. Ông Hướng cho biết: “Lâu nay chỉ nghe xưởng của ông Hải làm ốc mỹ nghệ, ông ấy không đăng ký kinh doanh nên chúng tôi không nắm được. Khi nghe nói phát hiện kho rùa biển khô ở đây, tôi nghĩ chỉ có ít chứ không ngờ số lượng lại lớn đến như vậy”. Theo vị cán bộ đứng đầu xã Phước Đồng, các kho, xưởng của ông Hải nằm ở nơi vắng vẻ, xa khu dân cư, lại “kín cổng, cao tường” nên rất khó phát hiện việc vi phạm.
Trước câu hỏi cơ sở chứa rùa biển khô sẽ bị xử lý như thế nào sau khi phát hiện vi phạm, Đại tá Đào Văn Toản cho biết: “Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc. Hiện chưa thể khẳng định vụ việc sẽ bị xử lý hình sự hay hành chính bởi vẫn đang trong quá trình điều tra”. Còn Đại tá Hồ Anh Quý - Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến: “Hiện Công an tỉnh đã cử lực lượng điều tra phối hợp với C49 và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành các quy trình để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với chủ cơ sở Hoàng Tuấn Hải”.
Sau khi vụ việc được phát hiện gây chấn động dư luận, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng đã tồn tại một đường dây săn bắt, chế tác và tiêu thụ sản phẩm từ rùa biển trong suốt một thời gian dài tại xã Phước Đồng? Số rùa biển này được đánh bắt ở đâu và vận chuyển như thế nào về cơ sở sản xuất vừa bị phát hiện trong suốt một thời gian dài? 

Đọc thêm