Tập đoàn FLC thắng kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

(PLVN) - TAND quận Cầu Giấy yêu cầu Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bài viết, đăng lời cải chính xin lỗi và bồi thường cho Tập đoàn FLC 14,9 triệu đồng.
HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC
HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC

Sau một ngày xét xử, chiều nay (30/9), TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên án vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo nhận định của HĐXX, xét về hợp đồng kinh tế được ký kết  giữa Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC, Tòa cho rằng hợp đồng được 2 bên tự nguyện ký kết, các bên tham gia ký kết hợp đồng có đủ năng lực, trách nhiệm như quy định của pháp luật. Vì vậy, xác định hợp đồng số 18 và hợp đồng số 57 ký giữa 2 công ty là có giá trị và các bên cùng có nghĩa vụ thực hiện.

Xét về trình tự thủ tục thực hiện hợp đồng giữa 2 công ty, Tòa cho rằng thực tế cuối 7/2018,  Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC vẫn chưa thống nhất được với nhau về số nợ và phương thức thanh toán. Theo Tòa, theo quy định của hợp đồng hai bên đã ký, lẽ ra Công ty Hòa Bình phải có đơn khởi kiện đến Tòa trọng tài thương mại hoặc Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Nhưng Công ty Hòa Bình lại có đơn kêu cứu đến các cơ quan báo chí là không đúng quy định trong hai bản hợp đồng mà 2 công ty đã ký.

Xét về việc điều tra xác minh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, theo đại diện Báo trình bày, trước khi đăng tải, họ đã nghiên cứu các tài liệu liên hệ với Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC thì mới đăng tin, còn tài liệu để chứng minh. Theo Tập đoàn FLC trình bày, họ không nhận được sự liên hệ từ phía Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc chậm thanh toán đối với Công ty Hòa Bình.

Hơn nữa, kể từ thời điểm trước hay sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết tố Tập đoàn FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng thì hai bên vẫn chưa thống nhất số nợ mà bên Tập đoàn FLC còn nợ Công ty Hòa Bình và 2 bên vẫn đang có các buổi thương lượng, thỏa thuận để tìm được điểm thống nhất về số tiền phải thanh toán bằng phương thức thương lượng, hòa giải với nhau.

Như vậy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chưa xác minh để làm rõ nguyên nhân chưa thanh toán của Tập đoàn FLC theo hợp đồng mà hai công ty đã ký kết mà đã xác định Tập đoàn FLC chây ì là chưa có căn cứ, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của Tập đoàn FLC.

Sau một hồi phân tích, Tòa cho rằng có đủ căn cứ cho rằng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng” là không đúng với giấy phép hoạt động của mình. Khi đăng bài, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chưa xác minh tính hiện thực khách quan của vụ việc giữa 2 công ty, tìm ra nguyên nhân của sự nợ đọng mà báo điện tử đã đăng tải. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài trên thuộc một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại điều 9 Luật Báo chí.

Do đó, HĐXX xét thấy cần chấp nhận đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, yêu cầu Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải  gỡ bỏ ngay bài viết không chính xác, không đúng tôn chỉ mục đích hoạt động hoạt động của Báo. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phải công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng, phải  có trách nhiệm bồi thường cho Tập đoàn FLC theo yêu cầu của Tập đoàn FLC là phù hợp qui định.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC, buộc cơ quan này phải đăng phát lời cải chính xin lỗi trên báo chí. Buộc báo phải dỡ bỏ bài, buộc phải bồi thường cho FLC số tiền 14,9 triệu đồng.

Trước đó, ngày 1/10/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”. Sau bài viết trên, Tập đoàn FLC đã gửi đơn khởi kiện tới TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) vì cho rằng thông tin về việc Tập đoàn FLC “vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền” cho 2 hợp đồng với Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình được Báo Điện tử giáo dục Việt Nam đăng tải tại bài viết trên là sai sự thật.

Tập đoàn FLC cho rằng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hành vi cố ý đưa tin không chính xác, đưa thông tin mang tính chất tiêu cực, trực tiếp xâm phạm uy tín của Tập đoàn FLC, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về Tập đoàn FLC, từ đó gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn FLC. Do đó, Tập đoàn FLC đã khởi kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị Tòa tuyên buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng, bồi thường số tiền 14,9 triệu đồng.

Trước phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ngày 24/9, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí khẳng định việc đăng tải thông tin tại bài báo nói trên là hoàn toàn đúng sự thật dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí đấu tranh chống lại tệ tham ô, tham nhũng, các biểu hiện sai trái, tiêu cực…

Đọc thêm