Xe gỗ không giấy tờ “thoát” nhiều chốt kiểm lâm

(PLO) - Đội Kiểm lâm cơ động số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân bắt giữ một chiếc xe chở lâm sản không rõ nguồn gốc đi qua nhiều trạm, chốt kiểm lâm nhưng không bị bắt giữ. Nhiều thông tin cho rằng, chiếc xe lọt nhiều trạm, chốt là do kiểm lâm báo cho phương tiện lộ trình di chuyển.
Lực lượng chức năng mở niêm phong xe chở gỗ
Lực lượng chức năng mở niêm phong xe chở gỗ

Chiếc xe tải BKS 36C – 152.96 bị bắt giữ vào lúc 03h sáng 4/4 tại khu vực dốc Nán (xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc). Bước đầu kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện trên xe ô tô chất đầy gỗ với nhiều kích cỡ, chủng loại khác nhau.

Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động số 2 áp giải xe ô tô nói trên về đơn vị. Ngoài ra Chi cục Kiểm lâm đề nghị Đội Kiểm lâm cơ động số 2 niêm phong phương tiện.

Phía kiểm lâm đã yêu cầu chủ phương tiện xuất trình các giấy tờ liên quan đến số gỗ trên. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Tùng (SN 1983, trú tại thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) là người điều khiển phương tiện trên không xuất trình được các hồ sơ kèm theo.

Chiều ngày 4/4, Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng Kiểm lâm Thọ Xuân, Đội Kiểm lâm cơ động số 2 tiến hành mở niêm phong phương tiện để kiểm tra hàng hóa. Tại đây, người điều khiển phương tiện trên đã xuất trình bộ hồ sơ, bảng kê và hóa đơn đỏ có chữ ký của ông Nguyễn Duy Vĩnh - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Lang Chánh.

Trước thông tin về khối lượng lâm sản khoảng gần 8m3 gỗ đủ các chủng loại như dổi, sến, táu... được chất đầy trên phương tiện trên xuất phát từ xã Yên Khương, đi về thị trấn Lang Chánh, tới Ngọc Lặc thì bị bắt. Điều này dấy lên những nghi hoặc về việc một số cán bộ kiểm lâm phụ trách trạm của các Hạt Kiểm lâm như Yên Thắng, Trí Nang (thuộc huyện Lang Chánh), Mỹ Tân (thuộc huyện Ngọc Lặc) đã vô tình bỏ qua việc kiểm tra xe chở đầy gỗ trên hay biết mà ngó lơ?

Ngày 05/4, ông Dương Hoàng Hải - Phó Trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh cho biết: “Chiếc xe vận chuyển gỗ đó là của Lang Chánh, còn thông tin liên quan đến việc vận chuyển lâm sản như thế nào thì cần phải kiểm tra, xác minh. Chi cục cũng đã có yêu cầu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc số lâm sản trên. Nếu có việc Trạm Kiểm lâm Yên Thắng hoặc Trí Nang để phương tiện đi qua mà không ghi vào sổ sách thì chúng tôi sẽ xử lý”.

Ông Hải cũng cho biết thêm: “Kiểm lâm ở các trạm nếu để xe vận chuyển lâm sản thủng tuyến thì ai trực người đó sẽ bị xử lý. Trong đó, Trạm chốt kiểm lâm Yên Thắng do đồng chí Nguyễn Thành Văn, còn trạm Trí Nang do đồng chí Thắng phụ trách”.

Ông Lê Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Lặc cho biết: “Tôi đã nghe và nắm được việc chiếc xe chở lâm sản trên đi qua trạm, chốt kiểm lâm Mỹ Tân thì bị bắt. Sau khi nghe vấn đề trên, tôi đã yêu cầu đồng chí Quế, hiện là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Mỹ Tân báo cáo và đồng chí Quế đã có báo cáo gửi Hạt. Dù là qua hay không qua thì Trạm trưởng phải chịu trách nhiệm ở đây. Hơn nữa đó lại là xe gỗ nhiều như thế mà vẫn bỏ qua được thì cũng lạ”!

Báo cáo của ông Quế cho biết, vào thời điểm từ 2h đến 7h sáng 4/4, ca trực tại bục chốt của Trạm kiểm lâm Mỹ Tân do ông Phan Thắng Thế phụ trách. “Vào lúc 6h sáng 4/4, tôi có cho họp Trạm đột xuất để xác minh sự việc nhưng anh em trong trạm đều có ý kiến không ai tiếp tay cho sự việc”- báo cáo của ông Quế nhấn mạnh.

Theo ông Lê Chí Chiều - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 2 cho hay: “Việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân phát hiện, bắt giữ xe gỗ trên đa phần là gỗ tạp, khoảng chừng bốn khối chứ mấy. Tuyến này (ý nói tuyến 15A) giờ cùng lắm chỉ còn mấy khúc gỗ tròn là chính, còn lâm tặc có vận chuyển thì đi qua QL 217 là chính”.

Trước thông tin về việc kiểm lâm báo cho chủ phương tiện lộ trình di chuyển, ông Chiều cho rằng: “Nói kiểm lâm báo để cho đi là không có đâu, còn nếu có thì sẽ chịu trách nhiệm”.

Chi cục Kiểm lâm đã cử ông Lê Quốc Việt - Phó Chi cục, ông Nguyễn Văn Vân - Trưởng phòng Pháp chế Chi cục Kiểm lâm cùng đại diện Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân và chủ phương tiện mở niêm phong, đưa số lâm sản trên xuống để đo, đếm.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ số lâm sản trên ước chừng khoảng 8m3 đều không có dấu búa của kiểm lâm. Tới chiều ngày 5/4 công việc đo đếm đang được kiểm tra.

Việc một chiếc xe đã chở số lượng gỗ nhiều, đi qua nhiều trạm, chốt kiểm lâm nhưng vẫn không hề bị kiểm tra, bắt giữ khiến dư luận đặt câu hỏi về sự yếu kém trong quá trình tuần tra, kiểm soát, bám địa bàn của lực lượng kiểm lâm. Nhiều người dân cũng cho rằng, gần đây tình trạng phá rừng ở Thanh Hóa đang diễn ra khá phức tạp và sự đấu tranh của kiểm lâm đang dần bị “tê liệt”? 

Đọc thêm