10 rủi ro người mua cần biết khi đầu tư vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi nắm chắc những yếu tố thiết yếu để kiểm soát rủi ro pháp lý và rủi ro từ uy tín, năng lực CĐT, người mua nhà đất cần phải trang bị nền tảng kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro hiệu quả đầu tư.
10 rủi ro người mua cần biết khi đầu tư vào bất động sản

Một dự án pháp lý rõ ràng, CĐT uy tín có chắc mang lại hiệu quả đầu tư hay không? Với kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy, đầu tư BĐS, cố vấn chiến lược, đào tạo cho nhiều tập đoàn lớn, cùng với quá trình tổng kết thực tiễn thành công ở các dự án, chuyên gia, Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân khẳng định những yếu tố trên chỉ là điều kiến cần chứ không phải điều kiện đủ để hấp dẫn đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường như hiện nay.

Đâu là những rủi ro thường gặp liên quan đến hiệu quả đầu tư mà khách hàng cần lưu ý? Dưới đây là 10 rủi ro phổ biến qua chia sẻ của Tiến sỹ Lê Bá Chí Nhân.

1. Dự án bên trong tốt, bên ngoài xấu: Đây là trường hợp CĐT phát triển dự án tương đối bài bản. Nhưng để giảm giá đầu vào, họ phải chọn những khu đất xa trung tâm. Việc thiết kế, xây dựng nội khu đồng bộ ở một mức độ tương đối thì CĐT có thể thực hiện được. Nhưng họ không thể can thiệp vào những giá trị cộng hưởng bên ngoài. Môi trường xung quanh ô nhiễm, ngập nước, dân trí thấp, thiếu tiện ích, thưa thớt người…là những yếu tố kéo giá trị của dự án xuống. An ninh trật tự cũng là yếu tố cần lưu ý. Nếu ở chung cư có bảo vệ chuyên nghiệp thì an ninh tương đối đảm bảo; những khu nhà ở thấp tầng, đặc biệt liền kề sông, xa trung tâm, thành phần cư dân xung quanh phức tạp thì “thủy tặc” là vấn đề đáng ngại. 

Hầu như những dự án hiện nay CĐT đang cố gắng làm xong phần cần bán để lấy tiền, họ không chú trọng bán xong rồi để làm sao giá trị sản phẩm mà khách hàng đã mua tăng giá, mà muốn tăng giá phải nghĩ đến tiện ích và giá trị kết nối các dự án xung quanh, mà khách hàng hay gọi là công thức “AT” ăn theo. Nhìn chung tổng quan của các dự án hiện nay CĐT thiếu 1 cái nhìn hợp nhất, họ không có sự liên kết hoặc liên minh tạo nên liên kết vùng để đẩy và kéo 1 khu vực thành 1 khu phức hợp, nếu làm được điều này khách hàng hưởng lợi từ những dự án xung quanh.

2. Sản phẩm cạnh tranh quá nhiều: Ở đây có thể chia ra cạnh tranh nội khu và cạnh tranh với sản phẩm ở dự án khác. Để rõ hơn, có thể nêu 2 tình huống về cạnh tranh như sau:

VD1: CĐT quy hoạch dự án có trung tâm thương mại lớn và gần kề có nhà phố thương mại. Vậy việc kinh doanh các mặt hàng ở phố thương mại có bị trung tâm thương mại lấn át không? Đây là điểm mà khách hàng có ý định mua để đầu tư vừa cho thuê ở vừa kinh doanh phải đặc biệt lưu ý.

VD2: Khách hàng muốn đầu tư căn hộ cao cấp để cho thuê. Trong một khu vực quy hoạch bài bản, CĐT có tiềm lực, nhưng nguồn cung căn hộ cao cấp ở đây đã quá dư thừa, biểu hiện là nhiều dự án gần đó căn hộ ế còn nhiều, tỉ lệ căn hộ “tối đèn”, không người ở rất cao thì liệu có hiệu quả không? Ở đây, nếu khách hàng quyết định mua thì khi nhận căn hộ, để cho thuê được phải hạ giá thuê, muốn bán lại cũng khó vì quá nhiều sản phẩm cạnh tranh.

3. Rủi ro từ nhà quản lý: Đây là rủi ro khó kiểm soát, nhưng khách hàng cần biết để có dự liệu trước. VD1: Hiện nay, theo quy định thu nhập từ cho thuê BĐS phải chịu thuế thu nhập nhưng thực tế vẫn còn chưa chặt chẽ. Khi nguồn thuế thu nhập được cơ quan chức năng siết chặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của chủ sở hữu, qua đó tác động đến giá trị BĐS. VD2: Quy trình đầu tư dự án được rút ngắn, nhà nước có những ưu đãi làm giảm giá thành sản phẩm mới. Khi đó sản phẩm BĐS đã mua trước đó sẽ bất lợi khi cạnh tranh với sản phẩm mới.

4. Chiến lược “ăn theo” bất khả thi: Có nhiều dự án quảng cáo ăn theo dự án sân bay, cảng biển…Mới nghe qua thì có vẻ hay, nhưng khách hàng cần phân tích kỹ lưỡng sản phẩm. Mua BĐS gần sân bay thì có thể kinh doanh gì nếu không phải là cây xăng, khách sạn, mà để ở thì quá ồn. Lại có dự án quảng cáo ăn theo bệnh viện cao cấp. Nhưng nếu bệnh viện bên cạnh thì vấn đề môi trường, tiếng ồn có ảnh hưởng không, hơn nữa đây không phải là dịch vụ dùng thường xuyên. Việc nghiên cứu mua 1 sản phẩm BĐS, thông thường khách hàng phải nghĩ ngay đến chợ, trường học, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi….!, nhưng nếu như có sân bay, cảng biển, bệnh viện thì đó không phải giá trị cộng hưởng hoặc liên kết vùng, khách hàng nên lưu ý.

5. Tính khả thi của phương án thiết kế, công năng từng khu vực: Nhiều dự án, khi thiết kế thì có trường học, trung tâm thương mại hoành tráng, khu ẩm thực…nhưng khi đi vào hoạt động thì lại không khả thi, bỏ hoang. Lý do là nhu cầu của người dân trong dự án và trong khu vực không phù hợp, không đủ để duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động cho các khu chức năng đó. Cũng không loại trừ khả năng CĐT biết rõ điều đó nhưng vẫn cố tình vẽ ra để hấp dẫn người mua. Bạn phải suy nghĩ đến 1 điều, dự án này phục phụ cho đối tượng nào? Và những đối tượng đó có như cầu hoặc hưởng lợi những gì mà chủ đầu tư vẽ ra hay không?

6. Quy hoạch tổng thể, sự phát triển của khu vực dự án: Khi những dự án lân cận phát triển thì BĐS đầu tư có bị mất giá không? Có thể xét các yếu tố: Dự án mới che khuất dự án cũ, tăng sản phẩm cạnh tranh, dự án tái định cư mọc bên cạnh dự án cao cấp…

7. Hứa hẹn về hạ tầng: Nhiều CĐT vẽ ra viễn cảnh tương lai nhà nước sẽ làm cầu, mở rộng đường qua dự án và giá trị lúc đó sẽ tăng. Rất nhiều trường hợp nhà mua đã lâu mà cầu không thấy đâu. Khách hàng thường xuyên bị môi giới lừa, lừa bởi tính hình thành trong tương lai, bởi họ sẽ đào tạo nhân viên môi giới vẽ những bức tranh màu hồng, tô đẹp cho dự án, thế nhưng không phải dự án nào cũng có những lời “mị dân” thực hiện được, do đó khách hàng cần quan tâm đến quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền cụ thể là bản vẽ 1/2.000.

8. Nhập nhằng giữa ở và đầu tư: Rủi ro này xuất phát từ bản thân người mua không rõ ràng giữa nhu cầu ở và đầu tư. Bài toán mua căn hộ để ở khác với bài toán đầu tư, rất khó để chọn một sản phẩm vừa sống tốt vừa đầu tư hiệu quả. Chọn căn hộ để ở phải dựa trên nhu cầu và sở thích cá nhân. Nhu cầu và sở thích cá nhân có thể là gần chỗ làm, trường học của con cái, hợp hướng, quen thuộc về lối sống, ăn uống, phí dịch vụ hợp lý…

Trong khi đó, chọn căn hộ để cho thuê phải dựa trên nhu cầu và sở thích của người thuê mà đa phần là người nước ngoài. Khi đó căn hộ không cần hợp hướng người mua nhưng “view” nhìn phải đẹp, không phải gần chỗ làm của chủ căn hộ mà phải gần nơi có nhiều người nước ngoài làm việc, không cần phải nhiều phòng cho cả gia đình mà diện tích nhỏ càng dễ cho thuê, không cần phải gần trường học hay khu vực đáp ứng những tiện ích, lối sống quen thuộc của người Việt mà phải là khu phục vụ kiểu “Tây”.

Cũng cần lưu ý thêm, nếu ở khu có cộng đồng người nước ngoài nhiều, thì dịch vụ, tiện ích, đồ ăn thức uống…sẽ có xu hướng tập trung phục vụ cho cộng đồng này. Do đó, những nhu cầu của người Việt sẽ khó được đáp ứng tốt nhất dù chi phí quản lý, chi phí sinh hoạt vẫn cao. Việc lập ban quản trị chung cư ở những khu này sẽ khó thực hiện vì đa phần khách hàng mua đầu tư, họ chẳng mấy quan tâm đến phí quản lý vì người thuê phải đóng. Những sự khác biệt đó cho thấy nếu khách hàng có ý định mua để ở một thời gian rồi cho thuê hoặc cho thuê không được thì ở rất khó đạt được mục đích.

9. Mua căn hộ cao cấp cho thuê, giá lên thì bán: Điều này được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, sự thật có như kỳ vọng? Nói về đầu tư căn hộ cho thuê, nhiều CĐT đưa ra những con số giá thuê và thuyết phục khách hàng bằng những con số hấp dẫn. Tuy nhiên, giá thuê mà CĐT đưa ra tham khảo thường cao hơn giá thực tế mà những sản phẩm tương đương trong khu vực cho thuê được. Kể cả CĐT sẵn sàng thuê lại 2 năm đầu của khách hàng với giá cao thì đây chỉ là một chiêu thức giảm giá gián tiếp.

Có nhiều chi phí trong quá trình cho thuê mà khách hàng phải lưu ý: Chi phí đầu tư nội thất, thay thế, làm mới, bảo dưỡng trang thiết bị, chi phí môi giới, chi phí đăng ký tạm trú cho khách thuê, thuế thu nhập cá nhân và thời gian trống căn hộ không có khách thuê. Hơn nữa căn hộ càng sử dụng lâu, cũ thì giá thuê càng giảm.

Còn kỳ vọng thị trường đi lên sẽ bán ra thì sao? Nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với những vấn đề: Bao nhiêu năm nữa thị trường mới đi lên, có hàng ngàn sản phẩm cạnh tranh cùng muốn bán thì liệu có lợi nhuận bằng gửi tiết kiệm…Những căn hộ cao cấp mới ra sau này giá có mềm hơn không, nếu sản phẩm mới phù hợp hơn với thị hiếu thì có ai mua căn hộ cũ? Tỉ lệ người mua căn hộ cao cấp để ở không nhiều và nhu cầu thuê căn hộ của người nước ngoài cũng dần bão hòa. Khi nguồn cung căn hộ cao cấp tiếp tục tăng, điều kiện cho người nước ngoài mua nhà được nới lỏng thì phân khúc căn hộ cho thuê sẽ dễ dẫn đến tình trạng giảm giá kéo dài trong tương lai.

10. Chiêu mới của BĐS du lịch nghỉ dưỡng: Sở hữu một căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng vừa có thể sử dụng trong những kỳ nghỉ vừa có thể giao lại cho công ty quản lý khai thác cho thuê là mô hình được nhiều CĐT sử dụng để bán hàng. Nhiều khách hàng nghe qua đã thấy hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu quả thực hấp dẫn thì liệu chủ đầu tư có cần bán cho khách hàng hay họ sẽ giữ lại để độc quyền khai thác?

Khách hàng cần xem xét kỹ về hiệu quả khai thác kinh doanh trên số tiền bỏ ra. Mỗi năm đi du lịch mấy lần, nếu sử dụng căn hộ, biệt thự đó thì tiết kiệm được bao nhiêu, trừ chi phí thuê công ty khai thác, quản lý, chi phí bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị nội thất…thì mỗi năm thu về bao nhiêu?

CĐT đưa ra công suất phòng cao nhưng thực tế có đạt được như vậy không, BĐS du lịch tăng nhanh về số lượng còn khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm tăng trưởng bao nhiêu, khi nguồn cung BĐS du lịch vượt xa cầu thì giá cho thuê, thu nhập từ cho thuê sẽ còn gì là hiệu quả?

Chưa kể với căn hộ cho thuê thì phải xem trong hồ sơ pháp lý dự án được phê duyệt làm chức năng gì, diện tích căn hộ bao nhiêu, CĐT có tự ý chia nhỏ căn hộ sai phép không, điều bất khả kháng trong hợp đồng là gì?

Thực tế, nhiều dự án đưa tên công ty quản lý nước ngoài vào quảng cáo để thúc đẩy bán hàng. Nhưng, CĐT là công ty Việt Nam, bên nước ngoài chỉ là bên làm thuê theo hợp đồng và khi CĐT bán hết dự án thì ai sẽ lo khai thác kinh doanh và đảm bảo hiệu quả về sau!

Đọc thêm