Bộ trưởng Xây dựng lý giải nguyên nhân chưa đạt mục tiêu nhà ở xã hội

(PLVN) - Cả nước mới hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với trên 85 nghìn căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và  đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180 nghìn căn. Kết quả này mới đạt khoảng 34% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 NƠXH.
Cả nước mới hoàn thành 207 dự án NƠXH với trên 85 nghìn căn. Ảnh minh họa
Cả nước mới hoàn thành 207 dự án NƠXH với trên 85 nghìn căn. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà mới đây cho biết, những năm qua, chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả. Đến nay cả nước đã và đang hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gần 338 nghìn hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (QĐ); Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo QĐ 33/2015/QĐ-TTg cũng đã hỗ trợ khoảng 103 nghìn/240 nghìn hộ được vay vốn làm nhà ở; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg đã có trên 17 nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ, 6/13 tỉnh hoàn thành...  

Đối với chương trình phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước hoàn thành 207 dự án NƠHX với quy mô xây dựng khoảng trên 85 nghìn căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và  đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180 nghìn căn. Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 NƠHX thì mới đạt khoảng 34%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp như vậy, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nguồn lực còn thấp, với nguồn ngân sách, mặc dù theo quy định pháp luật về nhà ở thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện hỗ trợ NƠXH, nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn này đang khó khăn và được bố trí thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với yêu cầu, người dân và doanh nghiệp hiện đang rất trông chờ. 

Mặt khác, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển NƠXH, chưa đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định. Hầu hết các địa phương đều cho phép các chủ đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha lựa chọn hình thức nộp tiền tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhưng địa phương chưa bố trí nguồn này để đầu tư phát triển NƠXH. 

Bên cạnh đó, một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng NƠXH thuộc thẩm quyền của các địa phương nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức để thu hút các doanh nghiệp tham gia như chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án từ nguồn ngân sách địa phương.

Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh;  thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án vẫn còn kéo dài...

“Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã có báo cáo lên Thủ tướng về tình hình quy hoạch và khai thác, sử dụng quỹ đất đô thị dành cho phát triển NƠXH. Theo đó, đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh thành quan tâm chỉ đạo phát triển NƠXH; sử dụng đúng khoản tiền các chủ đầu tư nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng NƠXH, giao Bộ Xây dựng thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định; đồng thời  tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, nhất là NƠXH; sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH”, ông Hà nói. 

“Đặc biệt, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án NƠXH, chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang NƠXH, cơ cấu lại các dự án nhà ở thương mại, NƠXH cho phù hợp nhu cầu của từng đối tượng; nâng cao trách nhiệm trong hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án, hộ gia đình, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án NƠXH.

Điều quan trọng hiện nay cũng là điều chúng tôi rất mong muốn là Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm bố trí đủ vốn ngân sách theo quy định luật pháp để thúc đẩy hỗ trợ phát triển NƠXH, tạo lợi ích kép: Vừa thực hiện đúng chủ trương coi phát triển NƠXH là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, vừa thúc đẩy tăng trưởng, ổn định thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô”, vẫn lời ông Hà.

Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, bốn năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) cơ bản được kiểm soát, phục hồi, ổn định và có sự tăng trưởng. Năm 2019, theo đánh giá chung, dư nợ tín dụng duy trì được ổn định; đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực BĐS trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 3,31 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 10,4% tổng số vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo…

Ông Hà cho rằng trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS thì có thể dự báo trong năm 2020 chưa có các dấu hiệu, trạng thái cực đoan lớn. Tuy nhiên, thị trường BĐS còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp cần luôn được được quan tâm theo dõi sát, không chủ quan. Để tiếp tục kiểm soát và thúc đẩy thúc đẩy thị trường BĐS phát triển hiệu quả, lành mạnh, ổn định, cùng với việc triển khai các công cụ kiểm soát về quy hoạch, về tăng trưởng và chất lượng tín dụng, về thuế, chính sách của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần chỉ đạo và thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường BĐS; tăng cường kiểm soát thị trường, chủ động ứng phó với các tình huống cực đoan như trầm lắng, bong bóng, sốt giá cục bộ.

Bộ Xây dựng đã đề ra nhiều giải pháp mang tính cấp bách cũng như lâu dài với lĩnh vực quản lý phát triển nhà ở và thị trường BĐS trong 2020 cũng như giai đoạn tới. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là NƠXH; khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng hóa các loại hàng hóa BĐS nhà ở, trong đó đẩy mạnh phát triển phân khúc NƠXH đô thị, nhà ở cho công nhân lao động, nhà ở cho thuê.

Đọc thêm