Bộ Xây dựng trình 9 giải pháp “cứu” thị trường địa ốc

(PLO) - Hàng loạt giải pháp đã được Bộ Xây dựng trình Chính phủ  nhằm phát triển thị trường địa ốc bền vững, cũng là “cứu” thị trường khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, nếu không thể thực hiện đồng bộ, khả năng phát huy hiệu quả vẫn là vấn đề để ngỏ.
Bộ Xây đựng đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản
Bộ Xây đựng đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường bất động sản
Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Theo đó, thị trường BĐS cũng đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 31/12/2013 đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,03 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 
Số thu ngân sách từ tiền thuê đất của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2001-2011 ước đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đạt cao nhất với 1.047 tỷ đồng, năm 2012 - 2013 ước trung bình mỗi năm thu khoảng 1 nghìn tỷ đồng từ tiền thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài... góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thị trường thiếu lành mạnh, không ổn định
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động của thị trường BĐS thời gian vừa qua đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Giá cả hàng hóa BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn. Cơ cấu hàng hóa BĐS nhà ở mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê…
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực 
đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế. Vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra phổ biến. Hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Giải pháp tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật
Bộ Xây đựng đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường BĐS. Trong đó, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh. Giải pháp này bao gồm đề xuất thống nhất hệ thống đăng ký sở hữu BĐS, đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất một cách khoa học, đơn giản về thủ tục, tin học hóa hệ thống đăng ký để người dân tự nguyện đăng ký, được Nhà nước bảo hộ và dễ dàng thực hiện các quyền đối với tài sản theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, bảo đảm thị trường BĐS phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển đô thị, BĐS một cách tự phát; đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai nhằm kiểm soát, điều tiết thị trường BĐS phát triển bền vững; đẩy mạnh hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để điều tiết thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thống nhất quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thị trường BĐS được tái cơ cấu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục lệch pha cung - cầu hàng hóa trên thị trường BĐS, chủ động bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường BĐS, điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường BĐS; đồng thời hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới BĐS để khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS, giao dịch chính thức trên thị trường, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế cũng như tăng nguồn thu cho Nhà nước. 
Ngành xây dựng đề xuất hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ Đầu tư, Tín thác BĐS (REIT), Tiết kiệm và cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định.
Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS cao cấp như khách sạn hạng cao cấp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù.

Đọc thêm