Bước chuyển của tín dụng chính sách trên Tây Nguyên

(PLO) - Bản ghi nhớ ngày 12/4/2013 về việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với NHCSXH được coi là một trợ lực giúp NHCSXH thực thi hiệu quả hơn Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên được khởi động từ đầu năm 2012. Sau 4 năm nỗ lực thực hiện, nguồn vốn TDCS tại vùng Tây Nguyên đã có những bước chuyển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Đoàn công tác NHNN, NHCSXH thăm mô hình vay vốn ưu đãi của vợ chồng anh chị Y Dôi Byă và H’Trưk Bkrông (buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Gia đình anh chị đang từng bước thoát nghèo bền vững từ vốn vay các chương trình TDCS tại NHCSXH
Đoàn công tác NHNN, NHCSXH thăm mô hình vay vốn ưu đãi của vợ chồng anh chị Y Dôi Byă và H’Trưk Bkrông (buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Gia đình anh chị đang từng bước thoát nghèo bền vững từ vốn vay các chương trình TDCS tại NHCSXH

Bắt đầu từ việc củng cố chất lượng hoạt động Tổ Tiết kiệm và vay vốn

Thời điểm trước khi xây dựng Đề án, vào cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên là 11.394 tỷ đồng (chiếm 11% dư nợ của toàn quốc), trong khi đó nợ quá hạn gần 175 tỷ đồng, tương đương 1,54%, cao hơn bình quân chung toàn quốc.

Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) nhiều nơi còn yếu kém, hoạt động không hiệu quả, nợ quá hạn cao, lãi tồn đọng lớn. Chính vì vậy, việc củng cố, nâng cao chất lượng TDCS đã bắt đầu từ việc tập trung kiểm tra, rà soát, phân loại các xã, huyện có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% để lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. 

Các chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã rà soát, sắp xếp lại các TTK&VV theo hướng liền canh liền cư, kiện toàn Ban quản lý TTK&VV yếu kém, bầu chọn những người có uy tín và nhiệt tình làm Tổ trưởng, nâng cao hơn chất lượng sinh hoạt Tổ.

Do vậy, hoạt động của TTK&VV đã dần dần đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng. Khách hàng vay vốn đã có chuyển biến tích cực về ý thức có vay, có trả, chấp hành tốt quy định nộp tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng và trả nợ vay khi đến hạn.

Những bước chuyển này đã góp phần đưa chất lượng TDCS vùng Tây Nguyên thay đổi căn bản. Tính đến cuối năm 2016, nợ xấu đã giảm đi một nửa chỉ còn 75 tỷ đồng, chiếm 0,39% tổng dư nợ.

Trong đó, nợ quá hạn 44,6 tỷ đồng (chiếm 0,23% tổng dư nợ), nợ khoanh 30,5 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ), thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc. Đây là thành công nổi bật trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại Tây Nguyên.

Chính sách thiết thực đi vào đời sống

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng TDCS trong vùng đó là sự vào cuộc đầy quyết tâm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đã cùng NHCSXH thường xuyên theo dõi, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động TDCS trên địa bàn.

Từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, phối hợp với NHCSXH giải quyết khó khăn, vướng mắc; đồng thời, tham mưu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, như: chính sách cho vay người lao động của huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo,... và tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Những bước chuyển trong tín dụng Tây Nguyên có thêm lực đẩy mới từ việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội.

Đến nay, đã tạo được sự đồng thuận, quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với TDCS... Chất lượng TDCS trong vùng, với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã ngày một nâng cao và phát huy hiệu quả thiết thực.

Theo báo cáo, tổng doanh số cho vay vốn TDCS tại vùng Tây Nguyên từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2016 là 42.353 tỷ đồng, với 2.891.297 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình TDCS đến hết năm 2016 đạt 18.769 tỷ đồng (tăng 6.375 tỷ đồng so với năm 2011), chiếm 11,92% tổng dư nợ trong toàn hệ thống, với 926.618 khách hàng còn dư nợ.

Là 1 trong 3 khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm tại khu vực Tây Nguyên là 12,7% (so với tăng trưởng dư nợ bình quân chung toàn quốc là 10,4%). 

Hoạt động TDCS xã hội tại vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Vốn TDCS đầu tư tại Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần giúp 407.157 hộ thoát nghèo. Những kết quả này góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo của khu vực theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 8,5%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 18%.

Kết quả là vậy, song khảo sát nhu cầu của người dân cho thấy, nhu cầu của người nghèo còn rất lớn trong khi nguồn lực nhà nước còn có hạn; chất lượng TDCS trên địa bàn chưa đồng đều; một vài nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở còn thiếu quyết liệt trong công tác xử lý, thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng và nợ bị chiếm dụng...

Trong giai đoạn tới Tây Nguyên vẫn được xác định là 1 trong 3 khu vực trọng điểm cần phải tập trung vốn để thực hiện các chương trình TDCS với mục tiêu dự kiến tăng trưởng dư nợ hàng năm khoảng 10% - 12%, 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình TDCS và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. 

Đọc thêm