Cạm bẫy “sốt giá” “ảo” rình rập thị trường bất động sản

(PLO) - Trong khi lượng tồn kho bất động sản (BĐS) trên cả nước lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng thì thị trường lại đang “rục rịch” tăng giá ở một số phân khúc. Điều này có phản ánh đúng bản chất của thị trường hay chỉ là chiêu tăng giá ảo - để kích thích tâm lý của người mua nhà?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tồn kho bất động sản còn lớn
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS khoảng 92.690 tỷ đồng, trong đó: Tồn kho căn hộ chung cư là 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; Tồn kho nhà thấp tầng là 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; Tồn kho đất nền nhà ở là 9.119.001m2, tương đương 33.880 tỷ đồng...
Riêng tại địa bàn TP.Hà Nội, đến cuối tháng 2, tổng số tồn kho khoảng 12.601 tỷ đồng, trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 3.164 căn, tương đương 3.565 tỷ đồng.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, tồn kho vào khoảng 16.713 tỷ đồng, trong đó tồn kho chung cư là 7.520 căn, tương đương 12.959 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, hai tháng đầu năm 2014, thị trường BĐS Hà Nội đã có khá nhiều giao dịch thành công (khoảng 1.290 giao dịch), gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó chủ yếu là các giao dịch tại những dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có vị trí đẹp, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện.
Mặc dù tình hình giao dịch những tháng đầu năm đã phần nào phản ánh thị trường đã bước đầu có dấu hiệu ấm dần lên, nhưng theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Giá nhà đang dần ổn định, có tác động tích cực, tạo thêm niềm tin của khách hàng vào thị trường”.
Trước đó, trong năm 2013, giá hàng hóa dự án BĐS đã giảm từ 10% đến 30% so với cuối năm 2011. Việc giảm giá xảy ra ở hầu hết các phân khúc của thị trường, đặc biệt là sản phẩm đất nền, nhà biệt thự và chung cư cao cấp với diện tích căn hộ lớn.
Tăng giá thật hay “ảo”?
Mặc dù vậy, vào thời điểm này, giá BĐS lại đang rục rịch tăng bất chấp sức cầu vẫn yếu và nguồn cung còn quá dồi dào. Tại một số dự án trên địa bàn Hà Nội, giá chung cư đã được đẩy lên từ một đến ba triệu đồng/m2 so với trước Tết Nguyên đán. 
Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên một sàn giao dịch BĐS cho biết: “Tại dự án Skylight 125 D Minh Khai, căn hộ 97m2 trước tết có giá 22 triệu đồng/m2, thời điểm này là 24 triệu đồng. Tương tự, căn 126m2 trước tết chỉ giao dịch ở mức 21,5 triệu/m2, thời điểm này là 23,5 triệu đồng”.
Được biết, tại dự án 310 Minh Khai giá tùy từng căn hộ cũng được đẩy trung bình từ 21 lên 24 triệu đồng/m2.
Một nhà đầu tư cho biết vừa đặt cọc mua nhà dự án Hòa Bình Green City với giá 26 triệu đồng/m2 xây thô. Nếu cộng cả chi phí hoàn thiện (khoảng 5 triệu đồng/m2) thì giá căn hộ chị mua đã lên tới 31 triệu/m2, cao hơn trước tết từ một đến hai triệu đồng/m2. Dự kiến trong tháng 4 này, Hòa Bình Green City sẽ tiếp tục tăng giá.
Tháng 11/2013, Dự án Thăng Long Number One giao bán với giá 28,5 triệu đồng/m2, nhưng đến tháng 12/2013 đã tăng lên 29,1 đến 29,9 triệu đồng/m2. Hiện nay, dự án đang được bán với giá 30,8 triệu đồng/m2. 
Dự kiến sau tháng 3/2014, dự án sẽ tiếp tục tăng giá lần nữa. Dự án Golden West tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính cũng tăng khoảng 5% trong đợt mở bán mới đây. Giá căn hộ sẽ tăng lên khoảng 26 triệu đồng/m2, thay vì mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 trước đó.
“Thị trường dạo này đang lên” là câu nói chung chung, cửa miệng của các nhân viên tại các sàn giao dịch BĐS, của chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao lên giá thì không ai có câu trả lời thuyết phục!
Vậy, việc giá BĐS “rục rịch” tăng như vừa qua có phản ánh đúng bản chất của thị trường hay chỉ là “chiêu trò” kích thích tâm lý của người mua nhà? Các chuyên gia và những người am hiểu thị trường nhìn nhận, thị trường chung cư rậm rịch tăng giá và thanh khoản tại một số dự án tăng cho thấy thị trường có tín hiệu vui, song địa ốc khó có khả năng lên cơn sốt.
Bởi lẽ, chỉ cần nhìn vào số liệu tồn kho BĐS cũng có thể thấy, giữ nguyên giá hiện nay thì cần ít nhất năm năm nữa mới có thể xả hết số hàng tồn kho. “Giá BĐS khó có thể tăng cao trong thời điểm này khi mà nguồn cung vẫn đang vượt quá cầu, và nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Có chăng, tâm lý đầu cơ vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người nên khi thị trường mới có chút chuyển biến đã tự ý nâng giá, tạo cơn sốt “ảo”, một chuyên gia nhận định./.

Đọc thêm