Cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

(PLO) - Hôm qua (11/5), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ tư, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017.
Cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư

Lòng tin nhà đầu tư tăng mạnh

Báo cáo Chính phủ nêu rõ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, những tháng qua, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, thu ngân sách nhà nước đạt khá, vượt dự toán được giao. 

Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2016 ước bằng khoảng 33% GDP (cùng kỳ đạt 32,6% GDP). Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Đó là hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2017, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, người chăn nuôi thua lỗ… Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm; mất an toàn thực phẩm còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. 

Các sản phẩm nông nghiệp phải xuất khẩu được

Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) đều nhận định, thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017. 

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, kinh tế nước ta trong 4 tháng qua có nhiều điểm sáng, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng khá, chứng tỏ môi trường đầu tư đã cải thiện. Tuy vậy, theo ĐB Kiên, con số doanh nghiệp thành lập và số vốn đăng ký tăng mới chỉ là “con số ảo”, chưa có tác động ngay đến GDP. “Ở đây, mới chỉ dừng ở mức độ phản ảnh môi trường đầu tư thể chế cải thiện, chứ bảo nó đóng góp ngay vào GDP các quý cuối thì khó”, ĐB Kiên nhận định.

Theo ĐB Kiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 đã đề ra, chúng ta cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư vì nếu giải ngân tốt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giao thông thì sẽ lôi kéo được vốn từ các ngành kinh tế khác; đặc biệt giải ngân tốt nguồn vốn FDI đã cam kết; tăng cường huy động vốn tư nhân vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nếu chúng ta chọn du lịch làm mũi nhọn thì phải ứng xử khác với du lịch trong đó có cả đầu tư hạ tầng du lịch và có cách nhìn khác với du lịch.

Còn ĐB Phạm Quang Dũng (Hà Nam) thì cho rằng, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua của nước ta từ đầu tư công là chủ yếu. Chính vì vậy, nếu thắt chặt đầu tư công thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Do vậy, chúng ta cần duy trì tỷ lệ, mức vốn cho đầu tư công, không để hạn mức giảm quá sâu. 

Cũng theo ĐB Dũng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa để Nhà nước thu nguồn vốn đó rồi chuyển cho tư nhân và đầu tư hạ tầng. “Bên cạnh đó, chúng ta nên tập trung vào thế mạnh của chúng ta đó là nước nông nghiệp, các sản phẩm làm ra từ nông nghiệp phải xuất khẩu được. Ngoài ra, cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ về kiến thức, năng lực quản trị để doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trên thị trường”, ĐB Dũng nêu quan điểm.

Đọc thêm