Câu chuyện đổi đời của bà Sáu

(PLO) - “Nhờ chính sách ưu đãi kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm với những thủ tục vay vốn đơn giản, những cán bộ ngân hành, cán bộ Hội đầy nhiệt huyết, gia đình tôi đã vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, vươn lên thoát cảnh nghèo” – đó là tâm sự của bà Trần Thị Sáu (SN 1962, cư trú tại thôn 5, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Vốn chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình ở Bảo Lâm thoát nghèo bền vững
Vốn chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình ở Bảo Lâm thoát nghèo bền vững

Bà Sáu kể, năm 2002 gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, có 6 con nhỏ đang học phổ thông, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình gia đình dựa vào 0,5 ha cà phê, sau khi trừ đi các khoản chi phí thì phần thu nhập còn lại không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Năm 2008, khó khăn càng chồng chất khó khăn khi các con bà bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học, tưởng chừng sự học của các con sẽ phải dang dở vì vợ chồng bà không thể cáng đáng thêm được nữa. 

Qua tham gia sinh hoạt tại thôn, được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước, về chính sách tín dụng ưu đãi và sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Ngãi, bà đã tham gia vào Tổ TK&VV, họp bình xét vay vốn và được NHCSXH cho vay chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 4 triệu đồng/01 học kỳ để trang trải chi phí học tập cho con gái bà là Nguyễn Thị Diễm Trinh học đại học. Số tiền 4 triệu đồng/01 học kỳ tuy không nhiều nhưng cũng giúp cho gia đình bà vượt qua khó khăn để con được đi học. Sau 4 năm học, bà đã vay cho cháu với số tiền 32 triệu đồng.

Lần lượt các năm 2010 và 2012, 2013, gia đình bà được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên cho con thứ hai Nguyễn Thị Diễm Chinh và con thứ ba Nguyễn Thị Mỹ Linh, con thứ tư Nguyễn Thị Diễm Sương đi học. Năm 2014, từ nguồn vốn vay chương trình hộ cận nghèo, với số tiền 15 triệu đồng, gia đình bà đã mạnh dạn cắt bỏ những cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp và ghép những giống cà phê cao sản để vườn cà phê cho năng suất ngày cao hơn. Năm 2017, gia đình bà lại được bình xét cho vay chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường với số tiền 12 triệu đồng để đào giếng cũng như xây nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc gia. 

Thông qua sự tuyên truyền của Tổ TK&VV, Hội Phụ nữ xã Lộc Ngãi cũng như NHCSXH huyện Bảo Lâm, gia đình bà đã hiểu được ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm tham gia gửi tiền qua Tổ. Mặc dù cuộc sống gia đình cũng còn nhiều khó khăn nhưng hàng tháng gia đình bà cũng tiết kiệm gửi tiền vào ngân hàng với số tiền 100.000 đồng. Sau khi đã chuyển một phần tiền tiết kiệm để trả nợ gốc đến hạn theo phân kỳ cho cháu Diễm Trinh là 10 triệu đồng thì đến nay số tiền tiết kiệm được của gia đình bà còn lại là 5,7 triệu đồng.

Đến giờ, các con bà đều cố gắng học tập tốt và ra trường có công việc làm ổn định, có thu nhập. Cháu Diễm Trinh cũng đã gửi tiền về để phụ giúp cho cha mẹ trả khoản nợ vay 32 triệu đồng cho cháu trang trải chi phí học tập trước đây. Từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình tôi đã có thêm nguồn vốn để đầu tư cải tạo chăm sóc vườn cà phê, tăng năng suất cà phê từ 1 tấn/năm lên 3,5 tấn/năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư gia đình tôi cũng tiết kiệm được 40 triệu đồng/năm, cộng thêm hàng tháng các cháu cũng gửi tiền về để phụ thêm cho cha mẹ nên cuộc sống gia đình tôi ngày càng được cải thiện tốt hơn.

“Nhờ chính sách ưu đãi kịp thời của Chính phủ, NHCSXH huyện Bảo Lâm với những thủ tục vay vốn đơn giản, những cán bộ Ngân hàng, cán bộ Hội đầy nhiệt huyết, gia đình tôi đã vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Số tiền vay từ NHCSXH có ý nghĩa rất lớn và kịp thời hỗ trợ gia đình tôi cũng như các gia đình có hoàn cảnh khó khăn với ý chí, nghị lực vươn lên thoát cảnh nghèo, để nuôi sống chính bản thân và góp phần xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh. Kết quả là gia đình tôi đã thoát nghèo là hiệu quả rõ nét nhất của nguồn vốn tín dụng chính sách tôi được vay tại NHCSXH” – bà Sáu tâm sự. 

Đọc thêm