Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ: Tuyên truyền chính sách BHTG tại xã Thanh Lĩnh

(PLO) - Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ vừa phối hợp với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương, Nghệ An) tổ chức sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG cho đội ngũ cán bộ các tổ chức đoàn thể, cán bộ Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Lĩnh, lãnh đạo và hội viên các chi hội phụ nữ trong xã. 
Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ: Tuyên truyền chính sách BHTG tại xã Thanh Lĩnh

Tại sự kiện, BHTGVN đã giới thiệu một số nội dung về hoạt động của BHTGVN, tình hình triển khai chính sách BHTG trên địa bàn khu vực Bắc Trung Bộ và một số vấn đề liên quan đến giao dịch gửi tiền tiết kiệm.

Chi nhánh BHTGVN khu vực Bắc Trung Bộ cũng trình chiếu các phóng sự, tiểu phẩm tuyên truyền do BHTGVN xây dựng; đồng thời phát vật phẩm, tờ thông tin của BHTGVN đến các đại biểu tham dự.

Qua đó, người dân đã hiểu rõ hơn quyền lợi hợp pháp của mình khi gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG, giúp họ thực hiện đúng các quy trình giao dịch gửi tiền tiết kiệm, tránh xa các hình thức huy động vốn không chính thống và không được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, các thành viên Hội phụ nữ xã sẽ tích cực tuyên truyền sâu rộng chính sách BHTG trên địa bàn để người dân hiểu hơn và yên tâm khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG. 

Hỏi đáp về bảo hiểm tiền gửi

1. Hỏi: Hạn mức trả tiền bảo hiểm là gì? Hạn mức này hiện nay là bao nhiêu?

Đáp: Điều 24 và 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quy định: Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).

Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là 75 triệu đồng.

2. Hỏi: Hạn mức trả tiền bảo hiểm được xác định trên cơ sở nào?

Đáp:  Hạn mức trả tiền bảo hiểm được xác đinh trên cơ sở: năng lực tài chính của tổ chức BHTG, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế, hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm được cho phần lớn người gửi tiền, nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường). Với hạn mức 75 triệu đồng, BHTG Việt Nam có khả năng bảo vệ phần lớn người gửi tiền, khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế.

3. Hỏi: Trong trường hợp khoản tiền gửi của người gửi tiền lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền vượt hạn mức sẽ được xử lý như thế nào? 

Đáp: Theo Điều 27 Luật BHTG, số tiền gửi của người được BHTG (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật.

Ngoài việc được nhận  BHTG chi trả theo hạn mức quy định, khi tổ chức tín dụng phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Phá sản 2014.

Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý TCTD đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát.

Đọc thêm