Công bố danh tính các “đại gia” thiếu trách nhiệm với người mua nhà

(PLO) - Hà Nội vừa công bố tên 74 doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thiếu trách nhiệm trong thực hiện cấp sổ đỏ cho người mua nhà. 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Theo Văn Phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, kể từ tháng 7/2014, thành phố sẽ thường xuyên thực hiện việc công khai như thế này trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công khai doanh nghiệp trong “danh sách đen”
Cách đây ít ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại các dự án. Các chủ đầu tư phải khẩn trương nộp ngay hồ sơ pháp lý thực hiện dự án, tập trung đề nghị cấp sổ đỏ của người mua nhà; sớm hoàn thiện bổ sung hồ sơ theo yêu cầu về Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.
Kèm văn bản này, Hà Nội đã công bố tên 74 doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thiếu trách nhiệm trong thực hiện cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Danh sách này có tên tuổi nhiều “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, như Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị và KCN Sông Đà, Vinaconex, Công ty TNHH MTV Du lịch giải trí Thiên Đường Bảo Sơn, Công ty CP Phát triển địa ốc CIENCO5, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Tổng Công ty HUD…
Theo số liệu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 370 dự án phát triển nhà ở (223 dự án đã được thành phố giao đất). Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, các dự án đã được thành phố giao đất, với tổng diện tích 5.561ha, có 216.580 căn chung cư và nhà ở thấp tầng. 
Đến nay có 112.150 căn xây dựng xong và bàn giao cho người mua nhà. Sở TN&MT Hà Nội đã hướng dẫn thủ tục và triển khai cấp 36.110 giấy chứng nhận (GCN) cho người mua nhà, còn lại 76.040 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp GCN theo quy định, 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng.
Sẽ xử nghiêm chủ đầu tư gây sách nhiễu
Năm 2014, UBND thành phố Hà Nội giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã cấp 40.000 GCN cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT phối hợp với UBND các quận, huyện làm việc và hướng dẫn đối với 149 dự án nhà ở. Trong đó, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cấp GCN cho người mua nhà tại 32 dự án. 
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa, mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhưng đến nay tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà vẫn rất thấp. Cụ thể, tính đến ngày 20/6/2014, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận 12.188 hồ sơ và đã giải quyết, chuyển UBND các quận, huyện cấp GCN được 9.701 hồ sơ (mới đạt 24% kế hoạch thành phố giao).
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trước hết là do các chủ đầu tư chưa có tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện cấp GCN cho người mua nhà thuộc dự án mình làm chủ đầu tư. Có những dự án, chủ đầu tư chậm, thậm chí gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ, như: không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà. Nhiều dự án đã được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng số lượng hồ sơ do chủ đầu tư nộp đến Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội còn rất hạn chế. 
Bên cạnh việc tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCN cho người mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố, như cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký, phối hợp với Cục Thuế Hà Nội ban hành hướng dẫn…, thành phố đã lập danh sách các chủ đầu tư không hợp tác, gây phiền nhiễu trong công tác cấp GCN cho người mua nhà, báo cáo đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra, xử lý theo quy định. 
Cụ thể, sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư; đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; thu hồi đất hoặc thu hồi đối với quỹ nhà chưa bán; không giao đất để thực hiện dự án khác trên địa bàn thành phố; thông báo trên phạm vi cả nước về vi phạm của chủ đầu tư… 

Đọc thêm