Cư dân chung cư CT2 Trung Văn “tố” chủ đầu tư “phạm luật”

(PLO) - "Đây là tòa nhà chung cư đầu tiên mà Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng, bán ưu đãi cho cán bộ có nhiều đóng góp cho Tập đoàn nhưng tòa nhà không được quản lý theo đúng pháp luật. Hành động cắt điện nước chính đồng nghiệp của mình của lãnh đạo Viettel- Hancic là điều không thể chấp nhận được”, đại diện cư dân chung cư CT2 “phẫn nộ” viết trong lá đơn gửi tới báo PLVN.
Sảnh trước khu căn hộ ngổn ngang vật liệu xây dựng
Sảnh trước khu căn hộ ngổn ngang vật liệu xây dựng
Nhận nhà 02 năm vẫn chưa hoàn công
Chung cư CT2 Trung Văn do công ty TNHH phát triển nhà Viettel – Hancic là chủ đầu tư. Theo hồ sơ cư dân cung cấp thì công ty này do tập đoàn Viễn thông quân đội và công ty Phục Hưng góp vốn với tỷ lệ 70/30. Theo cam kết, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho cư dân vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 4, tháng 5/2012, khi tòa nhà còn chưa đủ điều kiện để bàn giao chủ đầu tư đã gửi văn bản cho khách hàng yêu cầu tới nhận nhà, nếu không sẽ phạt phạt tiền 200.000vnđ/ngày. Các căn hộ chưa đóng quá 70% giá trị căn hộ trước khi bàn giao nhà thì bị chủ đầu tư phạt lãi suất.
“Chúng tôi nhận nhà đã hơn 1 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao theo các quy định của pháp luật, chưa cung cấp cho chúng tôi các giấy chứng nhận như: Giấy chứng nhận an toàn chịu lực và Giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BXD ngày 16/4/2011 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hoạt động kiểm định, giám định và chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng. Hệ thống PCCC hoạt động không đảm bảo kỹ thuật, báo cháy giả diễn ra liên tục và hiện nay chủ đầu tư đã ngắt hẳn chuông báo cháy dù tín hiệu báo cháy ở căn hộ vẫn tồn tại”, ông Lê Văn Lương, trưởng ban đại diện lâm thời, đại diện cho các hộ dân phản ảnh.
Ghi nhận của phóng viên PLVN tại thời điểm tháng 5/2014 cho thấy đúng là tòa chung cư này vẫn chưa đủ điều kiện để nghiệm thu, bàn giao theo các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Điều 11 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP.
Bể bơi "trong mơ" của cư dân hiện vẫn chưa hoàn thiện
Bể bơi "trong mơ" của cư dân hiện vẫn chưa hoàn thiện
Các hộ dân phản ảnh, khi cư dân đến ở nhận thấy tòa nhà vẫn như một công trường, các hạng mục trong hợp đồng còn thiếu như hệ thống doorphone, phòng sinh hoạt cộng đồng, một số hạng mục trong căn hộ … các hệ thống thuộc sở hữu chung chưa được hoàn thành, nghiệm thu và được cấp giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng như hệ thống PCCC nên cư dân đã kiến nghị làm việc với chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư không có thiện chí.
Quá bức xúc, nhiều cư dân đã không chấp nhận đóng phí dịch vụ đúng theo mức đã ghi trong hợp đồng. Để “trả đũa”, chủ đầu tư đã gây sức ép bằng cách cắt điện nước của cư dân. “Hành động đơn phương cắt điện nước của chủ đầu tư khi cư dân đóng đủ tiền điện, nước là vi phạm pháp luật vì theo quy định Công ty quản lý tòa nhà phải hỏi ý kiến Ban quản trị là tổ chức bảo vệ quyền lợi của cư dân và chỉ được phép yêu cầu các cơ quan cấp điện nước cắt điện nước với các chủ sở hữu vi phạm nghiêm trọng quy chế sử dụng chung cư. Tòa nhà này có nhiều cán bộ, công nhân viên của Viettel sinh sống, hành động cắt điện nước chính đồng nghiệp của mình của lãnh đạo Viettel- Hancic là điều không thể chấp nhận được”, ông Cao Xuân Tùng bức xúc cho biết.
Biến tầng kỹ thuật thành Penhouse
Không chỉ “sống trong sợ hãi” vì bàn giao căn hộ cho cư dân về ở trong khi chưa đủ điều kiện hoàn công, cư dân CT2 Trung VănViettel- Hancic còn bức xúc trước nhiều sai phạm khác của chủ đầu tư. Theo phản ảnh của cư dân thì chủ đầu tư đã xây dựng nhà rửa xe trái phép tại khuôn viên dự án, hành động ngang nhiên lấn chiếm này đã bị cư dân phản ứng mạnh mẽ và phản ánh lên tập đoàn Viễn thông quân đội, tuy nhiên sau rất nhiều thời gian thì nhà rửa xe trái phép này mới bị di dời.
Chủ đầu tư còn tiến hành lắp điều hòa công nghiệp tại tường bao tòa nhà ở tầng 3 tầng 4 trái với quy định tại Luật nhà ở 2005, QĐ 08BXD về quản lý sử dụng nhà chung cư, QĐ 01 UBND TP Hà Nội về quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hơn 30 cục nóng điều hòa công suất lớn lắp đặt chiếm dụng phần sở hữu chung, không gian chung là hành động sai phạm rõ ràng và ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của các căn hộ tại tầng thấp, ảnh hưởng đến mỹ quan của cả tòa nhà.
Hơn 30 cục nóng điều hòa lấn chiếm sở hữu chung
Hơn 30 cục nóng điều hòa lấn chiếm sở hữu chung
Nghiêm trọng hơn, tầng 25 trong hợp đồng mua bán căn hộ chủ đầu tư ký với khách hàng được ghi rõ là tầng kỹ thuật nhưng khi đến ở, cư dân phát hiện chủ đầu tư đã biến tầng 25 thành căn hộ Penhouse, chủ sở hữu các căn Penhouse này đều là lãnh đạo công ty Phục Hưng, lãnh đạo cấp phòng ban của tập đoàn Viễn thông quân đội.
Tầng kỹ thuật biến thành penhouse
Tầng kỹ thuật biến thành penhouse
Cư dân chung cư này còn phản ảnh, mặc dù đã nhận nhà và về ở hơn một năm qua nhưng chủ đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng điện nước trực tiếp, giá nước ở đây lên tới 7.500vnđ/m3; giá điện thì họ tự ý cộng thêm 5% tiền thất thoát. Chủ đầu tư còn “tận thu” bằng cách quy định thu phí trông xe giá “cắt cổ” (30.000vnđ/2h). “Từ khi về đây tôi mất cả bạn bè vì mời khách đến ăn hay con cái đến thăm bố mẹ khi về phải trả đến hơn 100.000 tiền gửi xe tính lũy tiền theo giờ”, đại diện cư dân bức xúc phản ảnh.
Để làm rõ những ‘cáo buộc” của cư dân, phóng viên PLVN đã nhiều lần liên lạc với đại diện chủ đầu tư nhưng ông Trần Vĩnh An, Tổng giám đốc công ty Viettel – Hancic luôn trả lời còn bận…họp nên chưa thể trả lời báo chí.
Trước đó, ngày 21/4/2014, công ty này đã có băn bản số 54 nhận lỗi trước các hộ dân về những thiếu sót trong quá trình quản lý, vận hành tòa nhà và cam kết sẽ khắc phục.
Tuy nhiên, đại diện cư dân cho biết đây chỉ là những lời “hứa cho qua chuyện”.
PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm