Đánh thuế nhà thứ 2: Villa không bị đánh thuế nhưng nhà cấp 4 lại bị đánh thuế

(PLO) - Theo GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, trong mọi sách giáo khoa về thuế, không có sách nào viết về đánh thuế nhà ở thứ hai, chỉ có đánh thuế nhà hay không đánh thuế nhà.
Villa là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 mua tạm nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế?
Villa là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 mua tạm nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế?

Nếu đánh thuế nhà thứ nhất hay thứ hai thì phải có đơn vị nhà giống nhau, bởi sẽ là bất hợp lý nếu một cái Villa là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 mua tạm cái nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế...

Bộ Tài chính: Mới trong giai đoạn nghiên cứu

Mặc dù mới là đề xuất nghiên cứu của Bộ Tài chính khi xây dựng Luật Thuế tài sản nhưng thông tin đánh thuế nhà thứ 2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế, người đã có thời gian nghiên cứu về đánh giá tài sản, trong đó có vấn đề đánh thuế tài sản bất động sản (BĐS), về lâu dài cần có 1 đạo luật về vấn đề này, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được. “Tôi cũng lấy làm tiếc trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về đánh thuế tài sản BĐS…”- ông Phụng chia sẻ tại Tọa đàm “Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2” do Báo Diễn đàn DN tổ chức hôm qua (7.9).

Ông Phụng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để nghiên cứu vấn đề này. “Việc Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề nghiên cứu thấu đáo về một vấn đề thực tiễn của xã hội thì đó là việc đúng thẩm quyền, đúng chức năng của Bộ…”- đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Lo ngại tác động xấu đến thị trường

Đồng tình với việc cần có một sắc thuế chống đầu cơ, nhưng  Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), ông  Vũ Văn Phấn cho rằng khi nghiên cứu sắc thuế này cần biết mục tiêu là gì (Có chống đầu cơ? Người sử dụng nhà đất có trách nhiệm hơn trong việc đóng thuế?…), để khi tính thuế với người có 1 nhà và chỉ để sử dụng thì việc đánh thuế không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. “Chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu sắc thuế mới này được thực thi thì không được thuế chồng thuế!’- ông Phấn đề nghị.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường BĐS, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. “Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ 2 là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của Nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê… Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi chả ai dại gì đầu tư xịn để chịu thuế cao hơn…”- ông Võ phân tích.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng việc đánh thuế với BĐS thứ hai, cần phải cẩn thận với trường hợp của Việt Nam. “Chúng ta cần hiểu mục đích đánh thuế BĐS thứ 2, là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Trong khi đó, tại Việt Nam thị trường BĐS đang phát triển lành mạnh. Qua nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy việc giao dịch vẫn ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi áp dụng đánh thuế BĐS thứ 2 sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường và giảm bong bóng thị trường BĐS…”- ông Matthew Powell phân tích.

Dẫn trường hợp Singapore, nước này đánh thuế nhà ở thứ hai với người dân trong nước từ 3-10%, với người nước ngoài là 10-15%, ông Matthew Powell lưu ý trường hợp của Việt Nam hoàn toàn khác. Singapore đưa ra chính sách thuế BĐS thứ 2 để cân bằng thị trường khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung. Ở Việt Nam thì ngược lại, cung, cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam.

“Một góc độ khác, nguồn cầu của người nước ngoài hiện chưa cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhiều. Do đó, đây là thời điểm cần khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt sau luật mở cửa cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Chính vì vậy, ở góc độ DN, chúng tôi nghĩ không nên đưa thêm những chính sách mang tính thắt chặt, giảm sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài với BĐS Việt Nam”- Giám đốc Savills Hà Nội đưa ra lời khuyên.

Bất hợp lý

Ông Lê Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, ở các nước, nếu đánh thuế BĐS, họ đánh thuế cho cả nhà thứ nhất. “Theo tôi, việc đánh thuế BĐS nên đánh thuế cho tất cả BĐS chứ không phải chỉ có căn nhà thứ 2, như vậy mới đảm bảo sự phát triển ổn định của BĐS…”- ông đề nghị.

Ông Hải cho rằng nếu người có một ngôi nhà có diện tích 1.000m2 không bị đánh thuế trong khi người có 2 nhà mỗi nhà 50m2 lại phải đánh thuế thì sẽ vô lý. Còn nếu điều tra, đánh giá từng BĐS để đánh thuế thì sẽ khó khăn và phức tạp, do đó nếu đánh thuế thì đánh hết.

Một thực tế nếu đánh thuế tất cả BĐS, những người sở hữu BĐS có vị trí đẹp giá trị cao mà lại chưa khai thác ngay, nếu bị đánh thuế thì chủ đất sẽ phải trả mức phí thuế hàng năm theo giá trị của nó, do đó họ sẽ phải bán hoặc đưa vào khai thác, đảm bảo phát triển đô thị hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường hơn. 

GS Đặng Hùng Võ cho rằng  nếu đánh thuế thì phải có đơn vị diện tích đánh thuế cụ thể, bởi sẽ là bất hợp lý nếu một cái Villa là nhà thứ nhất không bị đánh thuế nhưng nhà thứ 2 mua tạm nhà cấp 4 thì lại bị đánh thuế. “Chúng ta đang vội vã học hỏi Singapore trong đánh thuế nhà ở thứ 2, tuy nhiên ở nước này, nhà ở cùng 1 nguồn cung, do đó Chính phủ mới có thể áp thuế. Hệ thống của chúng ta chưa có một văn bản pháp luật nào có đánh thuế nhà ở thứ 2…”- ông Võ khẳng định.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cần thiết đánh thuế tài sản. và thuế phi nông nghiệp hiện tại đã là thuế tài sản rồi. Thay vì đánh thuế nhà thứ 2, ông Hà cho rằng việc đánh thuế phi nông nghiệp phải thay đổi toàn diện, để nuôi dưỡng được nguồn thu. Để chống đầu cơ cần sửa đổi thuế thu nhập cá nhân trong BĐS bởi thực tế, thu 2% lợi nhuận thì thu được chứ 25% như hiện tại thì không bao giờ thu được. Mặt khác, phải quy định nhà vừa mua xong bán ngay thì tiền thuế phải khác với nhà mua 5 năm mới bán. Đặc biệt, những nhà đất bỏ hoang, đất không sử dụng cần phải đánh thuế cao. Còn những nhà đất cho thuê thì bản thân người cho thuê nhà đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi cho thuê rồi nên việc đánh thuế nhà ở cần phải được giảm hơn… 

Đọc thêm