'Đất nhà' còn trống nhưng doanh nghiệp TP HCM thuê đất… tỉnh khác

(PLVN) - Ban chỉ đạo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM mới đây cho biết, công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phát triển dù đã có nhiều kết quả nhưng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu. Nhiều DN gặp thách thức, khó khăn... 
Nhiều DN rất cần sự hỗ trợ của địa phương để phát triển.
Nhiều DN rất cần sự hỗ trợ của địa phương để phát triển.

Chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất

Theo Ban chỉ đạo, đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP còn nhiều, đặc biệt là đất trong các Khu công nghiệp (KCN) (tỉ lệ lấp đầy của 17 khu đang hoạt động khoảng 70,44%), tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt bằng phục vụ sản xuất của hầu hết DN nhỏ… do đó dẫn đến các DN có xu hướng chuyển đến đầu tư tại các tỉnh lân cận.

Để hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho DN, thời gian qua, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP (Hepza) đã đề xuất quy hoạch ba địa điểm nhưng có đến hai điểm chưa triển khai được theo kế hoạch là KCN Lê Minh Xuân 3 do chưa có giao thông kết nối để phục vụ triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, diện tích quy hoạch của KCN Lê Minh Xuân 3 được TP phê duyệt có diện tích nhỏ nhất trên 15.000m2/lô nhưng các DN chỉ cần diện tích nhỏ từ 3.000 m2 đến 6.000 m2 và chỉ có một số DN có nhu cầu trên 10.000 m2. Vì vậy, việc cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của KCN cho phù hợp.

Còn KCN Cơ khí Ô tô ở huyện Củ Chi có quy mô khoảng 99ha, dự kiến quy hoạch phân khu cho việc hỗ trợ DN là 65 ha. Theo quy hoạch, các ngành nghề thu hút đầu tư là sản xuất linh kiện, phụ tùng, cơ khí chế tạo, nhựa cao su phục vụ cơ khí, ôtô… Tuy nhiên, hơn nửa diện tích của khu vực nói trên hiện nay còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên cũng không thể thực hiện theo đúng tiến độ. 

Tháo gỡ vướng mắc giá thuê, cơ sở hạ tầng

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM cũng cho biết, việc ban hành khung giá cho thuê mặt bằng tại các khu hỗ trợ DN cũng có một số khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể theo Khoản 2, Điều 48 Nghị định số 118/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, việc định giá cho thuê mặt bằng trong Khu chế xuất - KCN thuộc thẩm quyền của các Công ty Phát triển hạ tầng Khu chế xuất - KCN. Các Công ty Phát triển hạ tầng thực hiện việc đăng ký với Ban Quản lý về khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng. 

Mặc khác, theo Luật Đất đai 2014, các KCN được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản và ưu đãi địa bàn đầu tư. Trong khi đó, TP chưa có chính sách ưu đãi giá thuê đất đối với các Công ty phát triển hạ tầng Khu chế xuất - KCN để làm cơ sở hỗ trợ giá thuê đất cho các dự án nằm trong diện hỗ trợ DN. 

Đối với các dự án công nghiệp hỗ trợ, hiện nay TP đã có Nghị quyết số 16/2018 về quy định kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP giai đoạn 2018-2020, trong đó có nội dung: “Ban Quản lý chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND TP ban hành khung giá cho thuê mặt bằng tại các khu hỗ trợ DN trong KCN, khu chế xuất”. Như vậy, qui định trên là chưa phù hợp, kiến nghị UBND TP xem xét bãi bỏ nội dung trên. 

Còn đối với KCN Lê Minh Xuân 3, Ban chỉ đạo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM kiến nghị, TP cho xây dựng đường giao thông kết nối để tổ chức san lấp, đầu tư cơ sở hạ tầng của khu A - KCN Lê Minh Xuân 3. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 KCN Lê Minh Xuân 3 để đáp ứng nhu cầu thuê đất trong tình hình mới... Với KCN Cơ khí Ô tô ở huyện Củ Chi thì cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để nhanh chóng hình thành nên khu này.  

Đọc thêm