Đầu tư đất nền ven biển: Nhà đầu tư cần cẩn trọng

(PLVN) - Xu hướng đầu tư đất nền tại các điểm du lịch biển đang ngày một phát triển. Tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước, giá đất nền đang tăng theo tuần… Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đầu tư đất nền tại các điểm du lịch biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như dễ tồn đọng vốn, đất bán không đủ pháp lý...
Đầu tư đất nền tại các điểm du lịch biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như dễ tồn đọng vốn, đất bán không đủ pháp lý...

Nhà đầu tư cần cẩn trọng

Báo cáo tổng hợp từ Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho thấy, hiện các dự án đất nền được triển khai rất mạnh tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước. Sản phẩm chủ đạo là nhà đất và đất nền.

Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Hội Môi giới nhận định, giá đất nền tại các tỉnh có thể tăng trong biên độ từ 10 - 15% trong năm 2019.

Tại báo cáo thị trường BĐS quý I/2019 vừa được trang web hàng đầu về mua bán BĐS tại Việt Nam (Batdongsan.com.vn) công bố, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng đã tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính từ giữa năm 2017 đến nay, loại hình BĐS này đã tăng trung bình đến gần 10 giá (từ trung bình 55 triệu đồng/m2 lên 65 triệu đồng/m2).

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong quý I, thị trường ghi nhận có hơn 130 dự án căn hộ - biệt thự biển, nhà phố thương mại được chào bán. Trong đó, Phú Quốc, Đà Nẵng và Nha Trang là 3 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng dự án cũng như lượt người tìm kiếm BĐS nghỉ dưỡng. Đối tượng quan tâm đến loại hình BĐS này chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

Tại diễn đàn "Đầu tư Bất động sản 2019: Rủi do và Cơ hội" diễn ra sáng nay (ngày 22/6), luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; Rủi ro mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch…

Theo các chuyên gia, dòng vốn sẽ có sự phân hóa và dịch chuyển dần về những kênh đầu tư năng động hơn so với đất nền. Đó là những loại tài sản dễ kinh doanh, dễ kiểm soát dòng tiền và thu hồi vốn. Việc đầu tư vào phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng là một lựa chọn khá hấp dẫn nhờ nhiều yếu tố: Suất đầu tư hợp lý, lợi nhuận ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển… Tuy nhiên, phải chọn những chủ đầu tư uy tín với các dự án đảm bảo pháp lý.

Đứng ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu condotel nghỉ dưỡng đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều và Hiệp Hội BĐS Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất tuy nhiên kết quả vẫn chưa có sự cải thiện. Thị trường BĐS đang rất cần phải có nghị quyết, hướng dẫn nhiều hơn để thực hiện.

Vấn đề bảo trì condotel trong BĐS nghỉ dưỡng như thế nào, chia sẻ lợi nhuận ra sao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp lý của cơ quan Nhà nước.

Mỗi một dự án lại có chính sách riêng của mình, không tạo được cơ sở pháp lý chung. Để bảo đảm quyền lợi trách nhiệm của chủ đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước như vấn đề đầu tư phải như thế nào và các hợp đồng mua bán ủy quyền cũng phải được hướng dẫn trong các quy định tối thiểu cần phải có.

Quản chặt bằng khung pháp lý

GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, giải pháp cần làm là bổ sung các quy định vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS về phương thức quản lý các BĐS đa công năng. Về đất đai, cho phép các chủ đầu tư dự án BĐS có mục tiêu phục vụ kinh doanh du lịch được quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất lâu dài gắn với nộp tiền sử dụng đất ở hoặc hình thức sử dụng đất có thời hạn gắn với nộp tiền thuê đất kinh doanh - dịch vụ, tương ứng với từng phần diện tích đất đai phù hợp của dự án. Về quản lý BĐS, cần đưa quy định về nguyên tắc chấp nhận một số công năng được phép và yêu cầu đối với các BĐS đa công năng.

Tất nhiên, khi pháp luật được sửa đổi, bổ sung bao giờ cũng có các điều khoản chuyển tiếp, tức là các quy định xử lý đối với các dự án condotel đã được phê duyệt, các căn hộ tại condotel đã được cấp Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và nhà gắn liền.

Cách thức phù hợp là cho phép các chủ đầu tư dự án được lựa chọn phần diện tích được sử dụng đất lâu dài và phần diện tích được thuê đất có thời hạn. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Giấy chứng nhận đã cấp phải được điều chỉnh theo các phần diện tích đã chủ đầu tư dự án lựa chọn. Chỉ có cách làm này mới giúp condotel phát huy được thế mạnh bản chất của dòng sản phẩm này.

Ông Đỗ Huy Hoàng – Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...

Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng; quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel… Dự kiến sẽ ban hành cuối năm 2019.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Thị trường bất động sản du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng, tránh đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn là kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”.

Đọc thêm