Đề xuất rút ngắn việc cấp phép xây dựng

(PLVN) - Theo Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung), thời gian cấp phép xây dựng đã được đề xuất giảm xuống đáng kể, tùy từng loại công trình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

8 loại công trình không cần giấy phép

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi, bổ sung) nêu rõ, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 89.

Theo đó, có 8 loại công trình không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng. Đó là nhóm công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng khẩn cấp, công trình cấp bách không yêu cầu cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Chính phủ.

Nhóm thứ hai là công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính. Bên cạnh đó, công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc, công trình có nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn của kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ... cũng là loại công trình không phải có giấy phép xây dựng.

Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo. Còn công trình xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng.

Một nhóm khác là công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này.

Một loại công trình khác không yêu cầu giấy phép xây dựng là nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch để phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, cũng là nhóm công trình không yêu cầu giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng một số nhóm công trình nêu trên có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng, gửi kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, quản lý trật tự xây dựng.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Luật Xây dựng hiện hành quy định, đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Tuy nhiên, thời gian cấp phép đang được Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đề xuất rút ngắn. Cụ thể, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.

Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng được đề xuất rút ngắn từ 30 ngày như hiện nay xuống còn 20 ngày. Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này. Riêng thời gian cấp giấy phép công trình quảng cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo Bộ Xây dựng, những đề xuất này nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Đọc thêm