Đừng để dân nơm nớp với rủi ro

(PLO) - Mới nhất, hơn 20 người gửi tiết kiệm 400 tỷ đồng vào Ocean Bank Chi nhánh Hải Phòng không thể rút được tiền của mình với lý do tài khoản của họ “không có trong hệ thống”. Nữ Giám đốc Chi nhánh và 2 thuộc cấp đã “nhiều ngày không đến nơi làm việc”. Trong cuộc họp với các lãnh đạo ngân hàng này, họ được trấn an là chính, còn có rút được tiền của mình không thì “còn đợi kết quả từ cơ quan điều tra”. 
Đừng để dân nơm nớp với rủi ro

Trước đó, tại Lào Cai đã xảy ra trường hợp tương tự, một số người có số dư tiền tỷ trong Sổ tiết kiệm của họ nhưng ở hệ thống sổ sách của ngân hàng chỉ là 1 triệu đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, có chuyện “bốc hơi” hơn 40 tỷ của một doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, số tiền đó đi đâu, không ai biết.

Những sự việc trên đây đã chứng tỏ tiền gửi vào ngân hàng không phải là chỗ chắc chắn nhất mà tiềm ẩn đầy rủi ro nhưng đáng nói hơn cả là sự “rủi ro” đó người gửi lãnh đủ, lẽ ra gánh sự rủi ro (nếu có) đó phải là ngân hàng. Minh chứng rõ ràng nhất là vụ Huyền Như lừa đảo 400 tỷ mà ngân hàng nơi cô ta công tác vô can, khiến người gửi ngậm đắng nuốt cay và trật tự xã hội bị một phen chao đảo.

Tất cả những chuyện đó cho thấy một cách rõ ràng rằng pháp luật về ngân hàng với các quy định ràng buộc trách nhiệm đang có những lỗ hổng từ khâu quản lý cán bộ, nhân viên của mình đến thủ tục nhận gửi tiền tiết kiệm. Khi cho vay thì cần rất nhiều tầng nấc, khi nhận gửi thì hết sức dễ dàng, bao nhiêu tiền cũng được, kể cả những khoản tiền lớn thì thủ tục và sự đảm bảo cũng như một khoản gửi nhỏ mà thôi. Cái “lỗ hổng” pháp luật này bị khoét rộng ra đến mức không tưởng khi người ta tranh luận gay gắt với nhau về cơ sở pháp lý của “ngân hàng 0 đồng”.

Đã gánh chịu sự rủi ro lớn như vậy, bây giờ người ta còn nghĩ ra cách đánh thuế khoản lãi tiết kiệm, coi đó là thu nhập phải đóng thuế. Cái lợi tức ít ỏi do gửi tiết kiệm “ích nước, lợi dân” mà còn bị đánh thuế thì dân mua vàng dự trữ là lẽ tất nhiên, đồng tiền sẽ không vào dòng chảy lưu thông nữa, vận động cũng vô ích mà thôi. Không bảo hiểm cho số tiền người dân gửi tiết kiệm nhưng khi cho vay thì ngân hàng buộc người vay phải mua bảo hiểm thân thể.

Động thái này cũng giống như cái bắt tay của Phòng Giáo dục với cơ quan bảo hiểm “vận động” thầy giáo và học sinh mua bảo hiểm thân thể đạt tỷ lệ cao, với những hợp đồng mà phần trích lại được ghi chung chung là “theo quy định”. Ai cũng biết là khi mua bảo hiểm được khích lệ, tán dương và rất dễ dàng nhưng đến khi xảy ra sự việc rủi ro thì để được lĩnh bảo hiểm là rất khó khăn. Nếu bảo hiểm thực sự làm đúng cam kết và trách nhiệm của mình thì chẳng cần vận động, tuyên truyền lợi ích gì cả, người dân tự nguyện mua!

Tóm lại, lĩnh vực nào cũng vậy, đừng để người dân lúc nào cũng nơm nớp đối diện với rủi ro mà không được chia sẻ, giúp đỡ gì cả!

Đọc thêm