Gỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng

(PLO) - Trong hai ngày 19 và 20/10, Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra về tình hình triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (Ban hành kèm theo Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc

Đoàn đã có các buổi làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Triển khai thực chất, cụ thể

Thời gian qua, Chính phủ rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, đồng hành vì người dân và DN, qua việc ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN…

Tại buổi kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng theo Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã có chương trình hành động, đồng thời yêu cầu các ngân hàng phải có giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu hỗ trợ DN tốt hơn.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết ngân hàng này đã tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng với chi phí hợp lý nhất. VietinBank không ngừng đổi mới, tái cơ cấu sâu rộng mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng, không ngừng rà soát chuẩn hóa và đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu các thủ tục cho vay và giao dịch với ngân hàng, rút giảm thời gian giao dịch, thông tin minh bạch và gần gũi với người sử dụng, cung cấp dịch vụ trên cơ sở bảo đảm an toàn, đáp ứng các yêu cầu về quản trị rủi ro. Ngoài ra, VietinBank thường xuyên rà soát áp dụng các biện pháp khai thác nguồn vốn, quản lý chất lượng tăng trưởng, tiết giảm chi phí làm cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, lãnh đạo ngân hàng này cũng thường xuyên đánh giá, chấn chỉnh việc chậm trễ trong xử lý công việc nhằm thực hiện cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ, thời gian xử lý công việc. BIDV đã thành lập Trung tâm Ngân hàng điện tử, tăng cường phát triển các ứng dụng mạng xã hội vào hoạt động kinh doanh, giúp tiếp cận và hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất, tiện lợi nhất.

Hướng tới Top 30 về tiếp cận tín dụng

Tại Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia của Việt Nam phải thuộc nhóm 30 nước đứng đầu thế giới. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho DN, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường…

Về nhiệm vụ này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các mục tiêu Chính phủ đặt ra, trong đó có việc cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng từ vị trí xếp hạng hiện tại thứ 88 lên nhóm 30 nước đứng đầu là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống ngân hàng cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan.

Ông Tú cho biết, NHNN đã có kế hoạch hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ, lộ trình và các giải pháp thực hiện; kết quả được lượng hóa cụ thể theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020.

Chia sẻ về thực tế triển khai của ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ khẳng định, ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục giao dịch với khách hàng, thậm chí một số loại hình có thể giải ngân qua fax, triển khai các sản phẩm ngân hàng di động (mobile banking) hiện đại. Để tăng tốc phục vụ DN nhỏ và siêu nhỏ, VietinBank sẽ phát triển loại hình tín dụng “đục lỗ”, tự động hóa quá trình thẩm định, rút ngắn tối đa thời gian cho khách hàng.

Ngoài ra, VietinBank cũng sẽ có giải pháp tốt hơn cho các DN vừa và nhỏ, thường thiếu tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, để triển khai nhiều hơn việc cho vay không có tài sản bảo đảm, đòi hỏi hệ thống thông tin ngân hàng cần đầy đủ, kết nối tốt hơn, để khắc phục tính thiếu minh bạch trong thông tin tài chính của các DN nhỏ.

Về vấn đề kết nối thông tin, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam (CIC) cho rằng, hiện tại mới phát triển mạnh hệ thống thông tin nội ngành. Thời gian tới, tiếp tục xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trực tiếp từ các bộ, ngành hoặc các DN tiện ích trực thuộc bộ, ngành liên quan.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú lưu ý, các cải cách về thủ tục, cắt giảm phí, thời gian tốn kém cho DN phải bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cho mỗi ngân hàng. Những nội dung này được thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 64/NQ-CP mới được ban hành, đó là thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh.

“Chúng ta phải hành động trong bối cảnh cả Chính phủ hành động, vì ngành Ngân hàng là một trong những ngành trực tiếp quan hệ DN nhiều nhất. Các ngân hàng cần triển khai nghị quyết của Chính phủ một cách quyết liệt, thực chất, với mục tiêu đến cuối năm không để DN nào (có đủ điều kiện vay) phàn nàn về thủ tục rườm rà, phức tạp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Đọc thêm